ẩm thực nghệ an

http://amthucnghean.com


Một số đặc sản của Nghệ Tĩnh quê tôi (Phần 1)

Nghệ Tĩnh - Nơi có vô vàn những đặc trưng riêng có mà không một nơi nào có được. Điểm vào những nét đặc trưng đó là những đặc sản làm nên một Nghệ Tĩnh mà người con nào đi xa cũng phải nhớ về.
Một số đặc sản của Nghệ Tĩnh quê tôi (Phần 1)

I. CÁC ĐẶC SẢN HÀ TĨNH.

Bưởi Phúc Trạch, Địa chỉHuyện Hương Khê, Thời gian: Từ tháng 5 đến tháng 9

Kẹo Cu đơ ,Địa chỉ : Thị xã Hà Tĩnh, Thời gian:Thường xuyên trong năm

Cam Bù Hương Sơn, Địa chỉ : Huyện Hương Sơn, Thời gian:Từ tháng 10 -12

Nhung Hươu, Địa chỉ : Huyện Hương Sơn, Thời gian: Từ tháng 2-4

Hồng vuông Thạch Đài, Địa chỉ : Huyện Thạch Hà, Thời gian: Từ tháng 9 - 10

Nước mắm Cẩm nhượng, Địa chỉ : Huyện Cẩm Xuyên, Thời gian: Thường xuyên trong năm

Nước chè xanh, Địa chỉ : Toàn Tỉnh, Thời gian: Thường xuyên trong năm

Rượu nếp Can lộc,Địa chỉ : Trường Lộc, Nga lộc Thời gian:Thường xuyên trong năm

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT SỐ ĐẶC SẢN HÀ TĨNH.

1. Bưởi Phúc Trạch.

Đặc điểm:

Có nguồn gốc ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại được trồng ở hầu khắp 28 xã trong huyện và các vùng lân cận. Bưởi Phúc Trạch được nhiều người xếp vào hàng một trong những giống bưởi ngon nhất nước ta hiện nay.Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Phủ Quỳ (Nghệ An) thì trong hơn 100 giống bưởi ở nước ta, bưởi Phúc Trạch được đánh giá là ngon nhất.Thời gian thu họach vào khỏang tháng 9 hàng năm, giá bán rất cao (trung bình 15 - 20.000đ/quả, có khi tăng vọt lên 35-50.000đ/quả).

Trái bưởi Phúc Trạch có hình cầu hơi dẹt, vỏ trái mầu vàng xanh. Trọng lượng trung bình từ 1-1,2kg/trái. Mầu sắc thịt trái và tép múi phớt hồng, vách múi giòn dễ tách rời, thịt trái mịn, đồng nhất, vị ngọt hơi chua. Độ Brix từ 12-14.

Có thể chưa được nhiều người biết đến và giá cả cũng không thể cạnh tranh được với các loại bưởi phía Nam nhưng bưởi Phúc Trạch cũng đã có một lễ hội đầu tiên mang vẻ đẹp của "hồn đất - tình người"

Các địa chỉ liên hệ về bưởi Phúc Trạch :

Tại Hà Tĩnh: Công ty Đông Nam, nhà 14, ngõ 13, Nguyễn Huy Tự, TX Hà Tĩnh. ĐT: 039.856541

Tại Hà Nội: Số 11, ngõ 11, phố Thái Hà, Q.Đống Đa. ĐT: 04.8574455

Tại Vinh: Khách sạn Phương Đông, số 2 Trường Thi, TP Vinh - Nghệ An. ĐT: 038.561499-562299

Tại TP.HCM: Chi nhánh công ty Đông Nam, số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, Q.1. ĐT: 08.8204597. Email: fea-hcm@vnn.vn

 

2. Cu đơ Hà Tĩnh.

Đặc điểm:

Cu đơ, tên gọi của một loại bánh đã đi vào tiềm thức bao thế hệ người dân Hà Tĩnh nói riêng và người Việt Nam nói chung.Từ thưở xa xưa, rất xưa, không ai nhớ là tự bao giờ nhưng trên mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng gió và thiên tai, người dân nơi đây đã biết trồng mía lấy đường, một dưỡng chất không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Từ đường mía, người ta đã biết nấu thành mật, phụ gia để chế biến trong các món ăn và là nguồn thực phẩm quan trọng.

Cu đơ là một món quà quê dân dã, nhìn có vẻ thô ráp, sần sùi nhưng có mùi hương đậm đà, vị ngọt ngào của mật mía hòa quện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, cái giòn tan và hương thơm đặc trưng của lạc, cùng với bánh tráng vừng đen được nướng đúng độ tạo nên một hỗn hợp bánh vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa cay… ăn rất "vừa miệng" .Người ta vẫn nói Cu đơ là nét độc đáo có vị ngọt bùi cay đắng như cuộc đời của những người dân Hà Tĩnh.

Ăn kẹo cu đơ mà quên một thức uống hết sức phổ biến, hết sức bình dân là nước chè xanh, thì vị ngon kể như đã giảm mất một nửa. Nước chè xanh đi với kẹo cu đơ, tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Vị ngọt đậm của mật mía, vị bùi bùi của lạc..., ăn xong miếng kẹo, chiêu một ngụm nước chè tươi, cái mùi vị béo ngọt, thơm cay dìu dịu thấm dần rồi lan tỏa trên đầu lưỡi để lại cảm giác khó quên cho ai đã được một lần nếm thử ...

Theo nhiều người kể, Cu Đơ là một nhân vật vốn có tên là cu Hai. Vì số 2, tiếng Pháp gọi là " đơ"( deux) do đó người ta gọi đùa ông là Cu Đơ, để đối chọi một cách nghịch ngợm với cái tên Đờ - cu (Decoux) - viên toàn quyền bại trận ở Đông Dương thời Đại chiến thế giới thứ hai, vốn dĩ mang cái chất thiếu thanh lịch khi nghe gọi qua ngôn ngữ Việt Nam. Cu Hai, người Hương Sơn nấu kẹo lạc vào hồi sơ tán lần thứ nhất, để bán tại một quán nước chè xanh do ông bán. Sáng kiến của ông là dùng bánh tráng thay cho miến giáy lót dưới kẹo lạc mà mỗi lần ăn phải bóc bằng tay. Sáng kiến này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, vừa sạch sẽ, vừa đỡ mất công bóc giấy mà ăn lại vừa ngon, giòn, rất khoái khẩu.

Hiện nay, kẹo Cu Đơ chỉ mới mang giá trị về văn hóa , mặc dù nó được chấp nhận như tên một nhãn hiệu nhưng do nó dễ nấu nên đã phát triển ở nhiều nơi không những ở khắp Hà Tĩnh mà còn lan ra cả miền Trung và một số làng nấu kẹo miền Bắc.

Địa chỉ mua kẹo Cu Đơ

Kẹo Cu đơ được bán rất nhiều ở khu vực Cầu Phủ ( Thị Xã Hà Tĩnh ) . Nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất là Cu đơ của ông bà Thư Viện ( Ở gần đường vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Tĩnh )

3. Cam Bù Hương Sơn.

Đến thời điểm này người dân Hương Sơn xũng không biết Cam Bù xuất xứ từ đâu. Hồi trước Cam Bù giúp dân xóa đói, giảm nghèo còn bây giờ Cam Bù giúp người dân làm giàu trên những mảnh đất đồi.

Cam bù có vỏ xù xì , khi chín có màu hồng hồng ăn vừa ngọt vừa thanh, có người ví " khi đã ăn Cam Bù thì nhớ mãi và thèm khát như tình yêu trai gái đang bốc lửa" . Cam Bù không những ăn ngon mà còn là vị thuốc chữa bệnh cảm cúm, bổ dưỡng cho người bị bênh hen suyễn rất tốt.

 

4. Hồng ngâm Thạch Hà.

Trái hồng Thạch Hà to, có hình lục lăng, vuông vức từ cuống trái đến tận rốn với bốn múi to, mẩy, thường lớn gấp ba bốn lần hồng vớt ra khỏi chậu nước ngâm có màu trắng nhạt, nhiều quả không có hạt hay chỉ một hai hạt là cùng. Nếu ngâm không kỹ vị chát vẫn còn nhưng cũng giòn. So với hồng Lạng, hồng Hạc không thơm, không ngọt bằng cho nên hồng Thạch Hà không nổi tiếng và cũng chưa mấy khi chuyên chở đi bán ở các vùng xa.

Vùng quê trồng nhiều loại hồng ngâm là vùng bao quanh thị xã Hà Tĩnh nhất là các xã Thanh Linh, Thạch Đài của Huyện Thạch Hà

 

5. Nước Chè Xanh.

" Chè ngon nước chát xin mời

Nước non, non nước nghĩa người khó quên "

Nước chè ngon là nước chát, uống vào lúc đầu nghe chát, ngấm vào thấy ngòn ngọt thật khoái miệng. Nước chè vừa ngọt vừa có màu xanh nái pha chút sắc vàng, nóng hổi bốc hơi nghi ngút trông thật sướng mắt. Hương nước chè xanh bốc lên nghe thoang thoảng mùi chè xanh khá hấp dẫn., nước chè phải còn thật nóng, cho dù thời tiết đang giữa mùa hè. Uống xong bát nước chè nóng bỏng, thờ khà một cái, toát hết cả mồ hôi, cảm thấy nhẹ cả người. Uống nước chè kiểu đó là một cách giải nhiệt rất tốt. Khi uống phải đông mới vui, vừa uống vừa nói chuyện thì thật là lý tưởng. Người không quen uống chè xanh có thể bị say , nhất là khi đói bụng. Nhưng người nghiện chè xanh sáng sớm chưa ăn gì, không chỉ uống 3 - 4 bát cho tỉnh người rồi đi làm việc. Có người đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, họ pha mật mía với chè xanh đặc uống vào thấy khoẻ người ngay. Người ta thường nói :"Cơm sốt canh sốt, nước chè cốt mới ngon" là thế !

Bữa cơm có thể ăn ít cũng xong nhưng phải được uống nước chè cốt hằng ngày. Nhiều người cho rằng uống nước chè xanh cho người đỡ bệnh tật. Thực ra thì các nhà khoa học cũng đã cho chè xanh là một loại đồ uống được hàng triệu người châu Á ưa thích. Nếu dùng thường xuyên có thể ngừa được bệnh ung thư thanh quản. Viện ung thư quốc gia Mỹ cho biết: chè xanh có chất Polyphenol được đưa vào cơ thể có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu...

III. CÁCH CHẾ BIẾN MỘT SỐ ĐẶC SẢN HÀ TĨNH.

1. Cu đơ Hà Tĩnh

Một chiếc bánh Cu đơ làm ra phải trải qua nhiều công đoạn và khá công phu, từ khâu chuẩn bị chất liệu đến khâu chế biến.

Chọn mật mía phải là loại mật mía ngon, đặc và nguyên chất.

Chọn loại bánh đa vừa phải, không dày, không mỏng được tráng bằng vừng đen rồi quạt chín

Lạc cũng là một trong những nguyên liệu quyết định Cu Đơ ngon hay không? Chọn lạc chắc và đều . Lạc phải được rang lên bằng lạc củ, rồi sau đó mới bóc thành lạc nhân, như thế lạc mới không bị cháy mà còn thơm và giòn tan trong miếng bánh.

Mật mía được bỏ vào chảo ( chuyên dùng), sau khi đun sôi chảy, cần thêm một số phụ gia như gừng, bột mạch nha để bánh được mềm hơn sau khi tráng.

Khi mật ngả màu vàng thì cho lạc vào đảo đều, khi hỗn hợp đủ sánh lúc đó là đã vừa độ, người làm bánh sẽ dùng những miếng bánh tráng cắt sẵn theo hình tròn, đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau.( Để biết vừa độ người ta dùng bát nước lạnh rồi nhỏ giọt mật vào đấy nếu giọt mật đông vừa đủ là được, đây là thười điểm quyết định cu đơ ngon hay không do vậy bạn phải có kinh nghiệm thì sản phẩm mới ngon , đẹp và để được lâu )

Sau khi đã hoàn thành công đoạn chế biến cu đơ, người ta thường xếp chồng lên nhau khoảng 5 đến 10 cặp bánh gói vào giấy báo và đựng vào túi nilon để bánh được giòn lâu và không bị ẩm.

Việc nấu kẹo có vẻ dễ dàng tuy nhiên để có được những tấm kẹo cu đơ vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa cay… ăn rất "vừa miệng" thì quả là điều không dễ. Nếu ai muốn có những miếng kẹo ngon thì cứ đến ông bà Thư Viện mua về để ăn và đúc rút kinh nghiệm .

2. Nước chè xanh .

Trước hết, người ta chọn thứ lá chè dày và mơn mởn( không già quá mà cũng không non quá). Nếu già quá thì nước bầm đen trông không ngon, không thơm. Nếu chè non quá thì nước chóng nhạt, không đượm. Nước nấu chè phải là thứ nước ngòn ngọt. Thường là nước mưa hay nước giếng đá sỏi thì nước mới ngọt. Nấu chè thường dùng nồi bù hay ấm đất.

Nhận chè vào phải đúng kỹ thuật, không vò nát chè, mà cũng không để nguyên lá chè vì lâu ngấm mà phải vò nhè nhẹ, tỉa nhặt những lá vàng, lá sâu. Lửa nấu nước chè là lửa đỏ đều, không to quá mà cũng không nhỏ quá. Củi nấu nước phải dùng thứ củi nấu không làm phai mất vị nước chè như: củi bạch đàn, củi xoan đâu, củi tre...

Khi nồi nước chè đã sôi, lấy gáo nhận chè cho chìm xuống, sau đó đổ thêm vài ba gáo nước lã vào rồi hạ lửa. ít phút sau đó sẽ có ấm nước chè vừa chát, vừa thơm, vừa nóng, vừa xanh.

Nguồn tin: Hội SV Nghệ Tĩnh ĐH Kinh Tế TP.HCM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây