Tham quan “Ngày hội bánh dân gian Nam bộ” ở Cần Thơ đầu tháng 2, nhìn thấy những chiếc bánh gói dân dã, bình dị như tên gọi của nó, những ký ức tuổi thơ chợt ùa về...
Bánh gói dân dã - Ảnh: Thanh Tâm
Hồi đó, cứ rãnh rỗi công việc đồng áng, gia đình tôi lại tranh thủ làm bánh gói. Những chiếc bánh gói dân dã, bình dị có dạng hình chữ nhật dẹt, phủ bên ngoài là lá chuối màu cỏ úa, bên trong bột gạo trắng ngần, chính giữa nhân đậu xanh vàng ươm trông thật bắt mắt. Thoạt nhìn cứ tưởng làm món bánh này rất dễ dàng, nhưng được mục sở thị các bà các chị ngồi gói bánh, tôi mới cảm nhận được sự khéo tay, chịu khó của các nghệ nhân miệt vườn miền Tây.
Để được chiếc bánh gói ngon miệng, phải ngâm gạo trước một đêm và chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết khác (lá chuối rọc sẵn lau sạch cắt hình vuông, dừa khô, đậu xanh, đường, muối...).
Gạo để làm bánh phải là thứ gạo ngon, hạt dài, không lẫn tạp chất. Gạo xay thành bột cho vào bòng buộc chặt miệng, lấy vật nặng dằn lên cho ráo nước. Dừa nạo lấy nước cốt cho vào tô chia ra làm hai phần, một phần dành cho phần pha bột và thắng nước cốt dừa sau này, một phần nấu cùng đậu xanh đánh nhừ, vò thành từng viên cỡ trái nhãn cho vào dĩa.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, cho bột vào thau cùng nước cốt dừa, đường, muối trộn đều cho vừa khẩu vị. Cho hỗn hợp bột vào nồi bắc lên bếp với ngọn lửa liu riu, dùng vá quậy đều tay không ngơi nghỉ cho đến khi bột vừa chín tới, có độ deo dẻo, sền sệt (quê tôi gọi là lấy trùng), nhắc xuống mới bắt đầu việc gói bánh.
Công đoạn gói bánh phải nhanh tay, tránh để bột nguội khó “bắt bột”. Với động tác nhanh nhẹn, khéo léo, người gói dùng tay ngắt từng cục bột đều nhau đặt vào giữa tấm lá chuối, lấy nhân đậu xanh để lên trên. Kế đến, gấp bốn mép lá chuối lại thành bốn cạnh vuông góc đều đặn và dùng tay ép nhẹ bánh dẹp xuống cho bột chảy đều 4 góc, tránh mạnh tay để không bị rách bột bị chảy ra và xếp bánh vào xửng cho đến khi hoàn tất.
Chiếc bánh gói dân dã, bình dị thơm ngon và hấp dẫn - Ảnh: Thanh Tâm
Sau cùng, bắc xửng lên hấp cách thủy. Chừng khoảng 30 phút sau khi mùi thơm ngát nơi xửng bốc lên, giở xửng ra, cho bánh vào rổ là xong. Để tăng hương vị món bánh gói, phần thắng nước cốt dừa cũng là khâu quan trong không kém. Để có nước cốt dừa sệt ngon, phải thêm vào một ít bột năng, đường, muối cho vừa khẩu vị, và khi múc ra dĩa ăn phải rắc lên bên trên một ít đậu phộng rang giã giập nữa.
Giờ, ba má tôi đã rời quê lên thành phố. Mỗi khi thèm nhớ chiếc bánh gói ngày xưa, má tranh thủ làm món bánh này vào những ngày nghỉ cuối tuần. Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà họp mặt đông đủ để thưởng thức món bánh gói do má làm.
Dùng tay lột lớp lá chuối ra, phần bột trắng nõn nà, mịn màng cùng với màu vàng nhạt của đậu xanh hiện ra trông thật bắt mắt và hấp dẫn! Chan muỗng nước cốt dừa, rắc ít đậu phộng rang lên và dùng muỗng múc từng miếng bánh cho vào miệng nhai chầm chậm… Vị mềm dẻo, ngọt thơm của bột, béo của đậu xanh, của nước cốt dừa, của đậu phộng rang… hòa quyện và lan tỏa vào miệng như đánh thức mọi giác quan, khiến chúng tôi nhớ quê nhà da diết...
Theo Thanh Tâm (tuoitreonline)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn