Ẩm thực liệu pháp
Một trong những cách chữa bệnh của y học cổ truyền là “Ẩm thực liệu pháp” tức là dùng thực phẩm để điều chỉnh cân bằng âm dương, cân bằng tạng phủ. Đó là những loại thực phẩm phù hợp với cơ thể theo từng mùa, thích ứng với khí hậu, thời tiết.
Trong tinh thần đó, chương trình Sức Khoẻ & Đời sống kỳ này xin giới thiệu một số thức ăn có tính cách giải nhiệt, dễ tiêu hoá trong mùa nóng.
Để loại bỏ các bệnh thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là các bệnh phát sinh do nhiệt, bên cạnh việc thực hiện một chế độ sinh hoạt điều độ hợp lý, thì dinh dưỡng là một phần không thể thiếu. Chúng ta cần chọn những thực phẩm mang tính mát, có công dụng thanh nhiệt.
Giải nhiệt cho cơ thể bằng thức ăn vào những ngày hè nắng nóng đã được các cụ áp dụng triệt để từ ngàn xưa. Chế độ dinh dưỡng của người xưa ra sao? Ăn uống những loại thực phẩm gì mà lại giúp cơ thể "hạ hỏa"?
Phép dưỡng sinh cho là các thức ăn giúp tăng cường sức khỏe trong mùa hè phải có tính thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết. Nói chung, đó là các loại rau củ, hoa quả.
Theo quy luật ngũ hành, mùa hè thuộc hỏa, trời nắng gắt oi nồng làm cho cơ thể mất nước nên uể oải, ăn không ngon, ngủ khó, mồ hôi đổ nhiều. Vì vậy, phải chọn những loại thực phẩm mang tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, giải độc và bổ dưỡng âm khí để giúp cơ thể thêm khỏe mạnh.
Đông y quan niệm, nhiệt trong người phát sinh do rối loạn điều hòa hoạt động của các tạng, phủ trong cơ thể. Hỏa độc, nhiệt độc sinh ra do ăn nhiều đồ cay, nóng, nhiều chất béo, ngọt. Chúng có thể gây ra lở loét, đau nóng, rát.
Phép dưỡng sinh cho là các thức ăn giúp tăng cường sức khỏe trong mùa hè phải có tính thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết, lại phải tùy theo địa phương. Nói chung, đó là các loại rau củ, hoa quả.
Đứng đầu trong danh sách là Khổ qua, còn gọi là Mướp đắng, mang tính hàn, có tác dụng làm sáng mắt, giải khát, giải nhiệt, bổ khí. Khổ qua dùng làm thức ăn mùa hè rất phù hợp. Người ta thường dùng khổ qua dưới dạng ăn sống, luộc, xào với trứng, nhồi thịt hầm, hoặc thái ra, phơi khô, dùng thay trà có tác dụng thanh nhiệt. Tuy nhiên, do vị đắng của nó mà có người không dùng được.
Bí đao cũng là món ăn rất tốt trong mùa nóng bởi nó tính mát, giúp thanh nhiệt, giảm tác hại của nắng nóng. Có thể dùng nấu canh hoặc ép lấy nước uống.
Cùng họ với Bí là Bầu chứa vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải khát. Canh bầu nấu với tôm là một món ăn dân dã nhưng lại có công dụng giải nhiệt và bồi bổ rất tốt.
Dưa chuột: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, được dùng rất phổ biến trong mùa hè dưới dạng ăn sống, làm nộm, chế biến thành dưa muối cả quả. Dưa chuột còn có thể xào với một số loại thịt thành những món ăn khá hấp dẫn.
Quả nho là loại trái cây có khả năng thanh nhiệt
Củ sắn hay còn gọi là củ đậulà một thức ăn lý tưởng của mùa hè: Vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt, giải rượu rất tốt, chữa chứng ăn không tiêu. Người ta thường dùng củ sắn để ăn sống, làm gỏi, nấu canh, xào với thịt hoặc rửa sạch rồi ép lấy nước uống giải khát.
Củ năng còn gọi là củ Mã thầy: Vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, dùng ăn sống hoặc ép lấy nước giải khát rất tốt, đồng thời có tác dụng dự phòng tích cực một số bệnh lý viêm nhiệt mùa hè như viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi, viêm môi, miệng, viêm dạ dày, ruột...
Rau dền: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, bổ khí, lợi tiểu. Đây là loại rau chứa rất nhiều chất khoáng cần cho quá trình tăng trưởng của thanh thiếu niên.
Rau cần: Vị ngọt mặn, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt lợi tiểu, là loại rau lý tưởng trong mùa hè đối với những người bị chứng xơ vữa động mạch, cao huyết áp và bệnh lý về tuyến giáp.
Ngó sen: Dùng làm gỏi. Dân gian thường dùng ngó sen sắc uống thay trà, hoặc ép lấy nước uống.
Nấm rơm: Vị ngọt, tính hàn, có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều chất đạm, sinh tố C và các acid amin rất cần thiết cho cơ thể, có công dụng bồi bổ và thanh nhiệt tiêu độc. Đây là thực phẩm lý tưởng trong mùa nóng cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu và các bệnh lý về gan mật.
Các loại canh chua cũng có tác dụng làm mát và rất thích hợp cho việc giải nhiệt trong mùa hè. Lý do là vì trong canh chua, thường có cà chua, me, dứa... có tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc theo Đông Y.
Bên cạnh việc áp dụng một chế độ ẩm thực thanh đạm, dễ tiêu hóa trong mùa hè, nên chú ý nghỉ ngơi, không nên phơi nắng quá nhiều, sau khi ra mồ hôi nên thay quần áo ngay.
Ngoài rau củ, thì các loại hải sản và đậu cũng được coi là thực phẩm tốt trong mùa viêm nhiệt.
Trong các loại hải sản thì Trai, Hàu có tính hàn, giúp bổ âm, giải độc, thanh nhiệt, tốt cho cả nam phụ lão ấu. Không chỉ giúp giải nhiệt, các món ăn từ trai, hàu còn chữa trị nhiều chứng khác nữa.
Kế đến là các loại đậu. Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Dùng dưới dạng cháo, chè hoặc giá.Món mà người xưa hay dùng để giải nhiệt là nấu cháo đậu xanh xay cả vỏ. Đây là món ăn rất tốt cho mùa hè.
Đậu đen: Theo Nam dược thần liệu, đậu đen có vị ngọt, tính hàn, bổ thận, bổ gan, trị thiếu máu. Đậu đen trị được nhiều bệnh cho mùa hè như trừ phong nhiệt, giải độc, giải nhiệt và dùng làm thuốc bổ dưỡng. Món ăn giải nhiệt rất tốt trong tiết hạ là cháo đậu đen hầm gà ác. Đây là món ăn lợi tiểu, giải nhiệt rất tốt, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Ngoài ra, đậu xanh nấu chung với đậu đen, đậu đỏ, cam thảo ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày sẽ phòng được các chứng bệnh mùa hè.
Đậu ván trắng: Vị ngọt, tính bình, kiện tỳ ích khí, là loại thực phẩm đặc biệt tốt cho những tháng cuối mùa hạ và đầu mùa thu. Danh y Lý Thời Trân cho rằng đậu này có thể cầm tiêu chảy, thanh nhiệt, làm ấm tỳ vị, trừ thấp nhiệt và làm hết chứng tiêu khát.
Đậu hũ được làm từ đậu nành, có vị ngọt, mát, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo, giải độc và sinh nước bọt. Theo quan niệm của Đông Y, trời nóng khiến người ta dễ suy kiệt. Để khắc trị dân gian hay dùng đậu hủ tươi nấu với lá hẹ. Món này có tác dụng mát cho phổi, giải độc cho cơ thể và bổ dưỡng.
Rau củ tươi rất tốt cho sức khỏe. Photo courtesy of khoahoc.com.vn
Trái cây cũng có tác dụng thanh nhiệt. Dưa hấu được coi là "vua các trái cây" trong mùa hè. Dưa hấu: Vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, giải khát. Vỏ quả dưa hấu, còn gọi là tây qua bì, cũng là một vị thuốc có công dụng thanh nhiệt, dùng dưới dạng sắc, hãm uống thay trà hoặc chế thành các món gỏi ăn khá ngon.
Đu đủ là loại trái cây đứng đầu trong danh sách các vị thuốc tốt giúp cơ thể giải nhiệt. Theo quan niệm của Đông Y đu đủ có tính hàn, vị ngọt, thanh nhiệt, bổ tỳ. Ăn vào mùa nào cũng tốt.
Quả dâu: Quả dâu vị ngọt, tính hàn mà bổ huyết trừ nhiệt, là vị thuốc bổ huyết. Đây là một loại quả nên dùng nhiều trong mùa hè dưới dạng sirô dâu làm nước giải khát, trà dâu hoặc chế thành mứt dâu.
Quả mơ: Chứa nhiều Kali, Magiê, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Quả mơ cũng chứa vitamin C, sắt và beta caroten. Mơ ngâm với đường cũng có thể là món nước giải khát tuyệt vời cho mùa hè, và cũng chữa trị chứng ăn không tiêu, đầy bụng.
Nho: Là một trong những loại quả chứa rất nhiều nước, có khả năng thanh nhiệt, giải khát trong mùa hè rất tốt.
Chanh: Có tác dụng giải khát, thanh nhiệt, an thai, khai vị, tiêu thực, và chứa nhiều vitamin C. Chanh dùng rất tốt trong mùa hè cho những người hay bị rối loạn tiêu hóa, chán ăn mệt mỏi, họng khô miệng khát, dễ bị nôn, phụ nữ có thai.
Giải khát thì có các loại: dừa xiêm, rau má, nước mía, sâm lạnh, sương sâm, sương sáo, hạt é, hoặc bột sắn dây, và có thể dùng các loại nước ép trái cây như: cà chua, cà rốt, lê, táo, dứa đề là những loại củ quả dễ tìm cho thực đơn giải nhiệt
Ngoài ra, nên tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm như cá, thịt quá nhiều, và tránh đồ cay nóng như: hẹ, hành tây, hạt tiêu, quế, gừng, đại hồi, rượu trắng...
Bên cạnh việc áp dụng một chế độ ẩm thực thanh đạm, dễ tiêu hóa trong mùa hè, nên chú ý nghỉ ngơi, không nên lao lực quá độ trong mùa hè nóng nực, không nên phơi nắng quá nhiều, sau khi ra mồ hôi nên thay quần áo ngay.
Nguồn: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn