Một số món ăn trong ngày Tết ở xứ Nghệ

Thứ hai - 25/03/2019 10:56
Xứ Nghệ là một không gian văn hóa với nhiều dạng tiểu khí hậu, cảnh quan sinh thái khác nhau (đồi núi, đồng bằng và ven biển) và có nhiều dân tộc cùng sinh sống (ngoài người Kinh với vai trò là chủ thể văn hóa của vùng thì còn có các dân tộc thiểu số khác như: Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Ơ Đu, Chứt…). Điều này tạo nên sự thống nhất và đa dạng trong văn hóa nói chung, văn hóa ẩm thực nói riêng.
Một số món ăn trong ngày Tết ở xứ Nghệ
Xứ Nghệ là một không gian văn hóa với nhiều dạng tiểu khí hậu, cảnh quan sinh thái khác nhau (đồi núi, đồng bằng và ven biển) và có nhiều dân tộc cùng sinh sống (ngoài người Kinh với vai trò là chủ thể văn hóa của vùng thì còn có các dân tộc thiểu số khác như: Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Ơ Đu, Chứt…). Điều này tạo nên sự thống nhất và đa dạng trong văn hóa nói chung, văn hóa ẩm thực nói riêng.

Trong văn hóa ẩm thực của người xứ Nghệ, có thể thấy rõ cả các yếu tố “rừng, biển” hòa quyện, trộn lẫn, đan xen với nhau. Các món ăn của vùng ngoại vi thôn dã du nhập vào thành phố, phát triển và được nâng cao giá trị thành đặc sản ở thị thành. Sự bảo lưu các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống vẫn được duy trì, nhưng sự giao lưu sống động vẫn luôn tiếp diễn, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay.

Ở bài viết này, tác giả xin giới thiệu một số món ăn thường được người dân chuẩn bị để đón Tết ở xứ Nghệ hiện nay. Bài viết không dẫn ra đây cách bày cỗ Tết của người Nghệ xưa, vì nội dung đó đã được trình bày khá cụ thể trong “Địa chí văn hóa dân gian xứ Nghệ” (cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi chủ biên) và “Văn hóa ẩm thực dân gian xứ Nghệ” (giáo sư Ninh Viết Giao chủ biên). Dẫu rằng, xét về mặt quản lý hành chính thì Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh khác nhau. Song trong nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng, người ta thường gộp chung hai tỉnh làm một, để thấy được những đặc điểm chung trong dòng chảy văn hóa bên đôi bờ sông Lam.



Quan niệm về ăn và ăn Tết của người Nghệ

Từ xưa đến nay, cái ăn luôn được coi trọng, là nhu cầu không thể thiếu của mỗi con người. “Dân dĩ thực vi thiên/ tiên” (dân lấy cái ăn làm trời/ làm đầu). Trong tứ khoái (ăn, ngủ, tình dục, bài tiết) thì cái khoái ăn được đặt lên hàng đầu. Nếu tra cứu trong cuốn “Sổ tay dẫn giải 30.000 từ tiếng Việt thường dùng” của Lê Gia thì có đến 24 từ ăn có ý nghĩa liên quan đến ăn uống. “Từ điển tiếng Việt” cũng có rất nhiều từ liên quan đến ăn hoặc bắt đầu bằng từ ăn. Ăn Tết hay ăn chơi… đều đặt cái ăn lên trên hết, là quan trọng nhất. Vào dịp Tết nhất, lễ hội, nếu thiếu đi cái ăn thì coi như cái Tết không trọn vẹn, thậm chí là không có Tết.

Tuy nhiên, cái ăn ở đây là vì cuộc sống, ăn để mà sống chứ không phải sống để ăn. Với người Nghệ, sống trên mảnh đất không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp thì vấn đề lao động để đủ ăn đã vất vả lắm rồi, chứ nói gì đến chuyện ăn ngon. Vì vậy, quan niệm ẩm thực của người xứ Nghệ là “chặt to, kho mặn”, “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”, trước khi nghĩ đến ăn ngon thì phải ăn no đã.

Song, cũng không vì thế mà người Nghệ không biết sáng tạo ra những món ăn ngon, đẹp mắt. Trong văn hóa ẩm thực, dường như tất cả tinh hoa của đời thường đều được dồn vào ba ngày Tết. Cái no của ngày thường vẫn được coi trọng, thể hiện ở các mâm cỗ có rất nhiều món và đầy đặn về số lượng. Bên cạnh cái no, thì cái ngon, cái đẹp cũng được chú ý. Người ta trang hoàng nhà cửa cho không khí gia đình được tươi mới, ấm cúng. Trong cách chế biến và bày biện cũng thiên về các món ăn đảm bảo nhiều dưỡng chất, màu sắc phong phú, hấp dẫn, giàu tính thẩm mỹ. Và khi thưởng thức, người ta phải huy động tất cả các giác quan của mình, để mắt được nhìn thấy món ăn trình bày đẹp, mũi được ngửi thấy mùi thơm hấp dẫn, lưỡi được nếm hương vị của món ăn, tai được nghe âm thanh phát ra khi cắn thức ăn và tay được cầm trực tiếp món ăn, ăn trong không khí tự nhiên, thoải mái. Phải hội đủ cả năm cảm xúc này thì cái no, cái ngon của thức ăn dường như mới được cảm nhận hết, con người mới thấy thỏa mãn với một cái Tết đủ đầy, no ấm, hạnh phúc.

Trước đây, nếu ngày thường: “Nhà giàu ăn rau trừ bữa; Nhà khó cũng đỏ lửa ba lần” thì đến ngày Tết, nhà nào cũng cố gắng có được: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ngày nay, trong bữa cơm hàng ngày, có thịt, cá, canh rau với mẫu số chung trong cơ cấu bữa ăn là “cơm + rau + cá, thịt”. Mỗi lúc Tết đến xuân về, gia đình nào dù bình thường hay khá giả cũng chuẩn bị thịt gà, bánh chưng và mâm cỗ để dâng cúng lên bàn thờ gia tiên. Dù cả năm có làm lụng vất vả, túng thiếu, thì đến Tết, người ta vẫn dành những món ăn ngon nhất để chuẩn bị đón mừng năm mới. Niềm vui trong bữa ăn ngày Tết, sự chia sẻ các món ăn thể hiện sự cộng cảm, cộng mệnh, sự sum vầy, đoàn tụ gia đình và bè bạn.



Một số món ăn tiêu biểu trong ngày Tết ở xứ Nghệ

Bữa ăn ngày Tết ở xứ Nghệ rất phong phú, đa dạng. Dẫu rằng trong cuộc sống đời thường người ta phải lo tiết kiệm, tính toán, liệu chừng ăn uống sao cho hợp lý nhưng đến ngày Tết, dường như người ta dốc hết cả hầu bao của gia đình để lo chuẩn bị đón Tết, chuẩn bị các món ăn để cúng lễ, mời bà con họ hàng, bè bạn đến ăn Tết.

Các món ăn trong dịp Tết thường được chuẩn bị sẵn từ những ngày giáp Tết. Sau khi tiễn Táo Quân về trời, người ta bắt đầu đi chợ mua thực phẩm để nấu các món ăn. Các bà, các mẹ thường đi các chợ lớn trong vùng để mua được thực phẩm ngon, vừa ý. Để được ăn cái Tết ngon và an toàn thì khâu lựa chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Ở xứ Nghệ, các món ăn trong dịp Tết thường là những món ăn ngon nhất trong năm và phần lớn là những món chỉ dành riêng cho dịp Tết hoặc lễ hội, cưới hỏi, như: bánh chưng, bánh tét, gà luộc, thịt bò rim, thịt nấu giả cầy, thịt nấu đông, cá thu, dò lụa, dò hoa, hành muối, dưa món…

Khi chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cần thiết, người ta bắt tay ngay vào chế biến các món ăn. Những món ăn này được sử dụng trong khoảng từ 7-15 ngày trong và sau Tết, nên trong quá trình chế biến, người ta rất chú ý đến việc làm sao để có thể giữ được độ ngon của món ăn qua thời gian và thời tiết.

Sau đây, xin giới thiệu cách chế biến một số món ăn tiêu biểu trong ngày Tết ở xứ Nghệ:

1. Bánh chưng, bánh tét

Nguyên liệu chủ yếu để gói bánh chưng, bánh tét gồm: lá dong tươi, ống giang tươi, nếp cái hoa vàng, đậu xanh tằm vỡ đôi hạt, thịt lợn ba chỉ hoặc nạc vai, hạt tiêu, hành củ… Lá dong khi mua phải chú ý chọn lá dong đẹp, màu xanh tươi, không bị vàng, rách và còn nguyên cuống lá. Sau khi mua về đem rửa sạch bằng nước lạnh, để ráo, dùng vải mềm lau khô từng lá một. Nếu gói bằng khuôn, dùng kéo cắt lá vừa với độ rộng của khuôn bánh. Nếu gói tay thì chỉ cần cắt bỏ cuống lá. Phần cuống lá dùng để lót dưới nồi trước khi cho bánh vào, tránh để bánh sát đáy nồi dễ bị cháy, khê.

Ống giang tươi được chẻ thành dây lạt mỏng, dai, để vào nơi râm mát, tránh dây lạt bị khô giòn, khi cột bánh sẽ dễ gãy. Có nơi, ngoài việc chẻ lạt giang để cột từng cặp bánh lại với nhau, người ta còn chẻ những cái ghim vót nhọn hai đầu, dài khoảng 5cm, gài vào mặt trên của bánh, để giữ các nếp gấp lá dong không bị bung ra.

Nếp cái hoa vàng được ngâm nước ấm 400C trong 3 giờ, sau đó dùng rá to để vo sạch nếp, để ráo rồi trộn với một ít muối hạt trước khi gói (nếu không cho muối, bánh sẽ nhạt và chóng thiu hỏng). Ngày nay, có nhiều gia đình dùng nếp Thái hoặc một số giống nếp địa phương để gói bánh. Quá trình ngâm nếp nhằm giúp cho bánh khi nấu được mềm, hạt nếp chín đều. Có những gia đình ngâm nếp từ đêm hôm trước, nhưng cũng có gia đình không cần ngâm nếp, tùy thuộc vào chất lượng hạt nếp.

Đậu xanh chọn mua loại đậu xanh tằm, hạt nhỏ, xanh lòng, thơm, không bị sượng. Đậu xanh thường được ngâm vào nước ấm từ đêm hôm trước, hoặc ít nhất là trước khi gói bánh từ 3-5 giờ. Sau đó đem đãi kỹ, loại bỏ hết vỏ lụa của hạt đậu, nấu chín. Dùng cối giã nhỏ đậu và nắm thành từng nắm vừa với lượng nhân dành cho một chiếc bánh. Thường thì 0,3kg nếp cần 0,1kg đậu xanh và 0,05kg thịt lợn.

Thịt lợn phải đảm bảo tươi mới, có độ dẻo dính thì gói bánh mới ngon. Thịt được thái thành miếng to bản, ướp với hạt tiêu, một ít bột canh và hành củ đập dập. Nếu muốn bánh để được lâu mà không bị hỏng thì không nên cho hành vào nhân bánh. Thịt gói bánh phải có cả phần nạc và mỡ thì bánh mới ngậy, phần mỡ khi nấu sẽ chín mềm, tan ra ngấm vào nhân đậu và nếp rất ngon.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, các thành viên trong gia đình cùng ngồi quây quần chung tay gói bánh. Ngoài việc gói đủ hai cặp (4 chiếc) bánh để dâng lên bàn thờ gia tiên, có gia đình chỉ gói toàn bánh tét cho tiện việc cất giữ và sử dụng. Bánh được nấu trong thời gian từ 8-10 giờ. Khi nồi bánh sôi được 4-5 giờ, phải tiến hành trở bánh từ trên xuống dưới để bánh được chín đều. Khi bánh chín, vớt ra, rửa qua nước nguội để vỏ bánh được sạch sẽ. Sau đó xếp bánh lên mặt phẳng và dùng tấm ván hoặc mâm phẳng để ép bánh, giúp bánh được chắc và vuông vắn.

Bánh chưng khi bóc ra có màu xanh của lá dong, mặt bánh nhẵn rền, hương thơm hấp dẫn. Khi bóc bánh phải nhẹ nhàng lật từng lớp lá dong, xé nhỏ lạt giang buộc bánh đặt lên mặt bánh chia làm 8 phần đều nhau. Như vậy, miếng bánh nào cũng có đầy đủ các thành phần nếp, đậu, thịt với mùi thơm rất hấp dẫn. Nếu vào thời tiết giá rét, người ta thường cắt bánh chưng, bánh tét ra đem rán vàng, lớp vỏ bánh giòn thơm, ăn nóng rất ngon. Bánh chưng ăn kèm với thịt bò rim kỹ, dưa hành dưa món muối chấm ruốc rươi.

Riêng bánh để thờ, khi bánh chín, gia chủ sẽ chọn ra hai cặp bánh đẹp nhất bày lên bàn thờ. Nhà nào cầu kỳ thì dùng những lá dong đẹp, đem luộc qua, gói bọc bên ngoài chiếc bánh để bánh có được màu xanh tươi của lá.

Bánh chưng là biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt. Gạo nếp tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Với thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo nếp, đậu chín nhừ, chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo. Gói và nấu bánh chưng là một nét đẹp văn hóa cổ truyền, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Ngày nay, ở thành phố Vinh và nhiều địa phương ở xứ Nghệ, nhiều gia đình cùng góp chung kinh phí để gói và nấu bánh chưng, tình đoàn kết xóm làng được xích lại gần nhau hơn và được duy trì bền vững theo năm tháng.

2. Gà luộc

Gà là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở xứ Nghệ. Với quan niệm, thịt gà là món ăn ngon nhất và có nhiều dưỡng chất, nên trong dịp Tết gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị vài ba con gà, vừa để cúng lễ, vừa để làm cỗ đãi khách. Trong các lễ cúng vào lúc tất niên (thường tổ chức vào chiều 30 Tết), cúng sáng mồng Một, cúng hạ nêu… đều không thể thiếu con gà trống đã được luộc chín và đĩa xôi hoặc chiếc bánh chưng đã được bóc sẵn. Ngoài ra, người ta còn chuẩn bị thịt gà để chế biến các món ăn khác như: gà luộc, gà rang, gà nấu xáo, gà nấu đông…

Muốn thịt gà luộc được ngon và chín đều, đẹp mắt, người nội trợ cũng phải có bí quyết riêng. Sau khi làm sạch lông gà, dùng muối trắng xát lên mình gà rồi rửa sạch bằng nước lạnh. Dùng dao sắc rạch hai bên cổ gà, xâu hai cánh gà vào cổ và luồn lên đến mỏ gà, kéo cánh gà chui qua mỏ lên đến khuỷu để chéo cánh, tạo cho con gà có dáng như đang bay lên rất đẹp mắt. Cho một lượng nước đủ làm ngập gà vào nồi to, đun sôi lăn tăn, thêm một thìa nhỏ bột canh, bột nghệ, hành tăm và gừng tươi đập dập, sau đó cho gà vào luộc. Khi nước luộc gà đã sôi, đậy vung kín, giảm nhỏ lửa, đun trong vòng 10 phút. Khi gà chín, không vội gắp ra ngay mà tiếp tục đậy vung để gà được chín kỹ mà không bị trầy xước da. Như vậy, con gà cúng sẽ có màu vàng tươi, chín đều, mùi thơm hấp dẫn và hình dáng trông rất đẹp mắt. Đặt gà lên đĩa xôi hoặc đĩa sứ trắng có trang trí thêm một quả ớt đỏ tỉa hoa, dâng lên bàn thờ gia tiên tấm lòng thơm thảo của con cháu.

Con gà trống biểu tượng dương, biểu tượng cho sự sống được sinh sôi phát triển, biểu tượng cho tiếng gọi bình minh lên, ngày mới, năm mới và những điều mới mẻ sẽ đến trong năm mới. Vì vậy, con gà trống thường là đại diện để kết nối thế giới trần tục với thế giới tâm linh, nơi ngự trị các vị thần linh và ông bà tổ tiên - những người đã khuất ở một thế giới siêu nhiên, huyền bí tồn tại trong tâm thức của cư dân làm nông nghiệp lúa nước phương Đông.

3. Dưa hành, dưa món

Ở xứ Nghệ, trong bữa ăn ngày thường, người dân rất thích sử dụng các sản phẩm muối chua. Với quan niệm “Tương cà là gia bản”, ngoài quả cà muối là thức ăn dự trữ trong cả bốn mùa thì còn có các loại dưa và nhút. Có thể kể ra đây một số món dưa, nhút phổ biến ở xứ Nghệ, như: nhút mít (làm từ quả mít non) mà nổi tiếng nhất là nhút Thanh Chương, nhút hoa chuối rừng, nhút măng tươi, nhút ngọn đậu, nhút tổng hợp, dưa cải, củ cải muối, dưa hành, dưa món (làm từ củ su hào, cà rốt)… Trong các loại dưa, nhút đó thì dưa hành và dưa món thường được muối vào dịp Tết.

Ngày Tết có rất nhiều món ăn giàu chất dinh dưỡng làm cho chúng ta có cảm giác ngán ăn. Món dưa hành muối và dưa món ăn kèm với bánh chưng, thịt bò rim và các thực phẩm khác sẽ giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn trong ngày Tết.

Nguyên liệu để muối dưa hành gồm: hành khô, muối trắng, một ít đường, dấm trắng, nếp hương. Chọn mua hành củ tương đối đều nhau, không dùng hành tím, vì hành tím khi muối chín sẽ trông không đẹp mắt và ăn có vị cay hăng. Hành khô không bóc vỏ, cho vào chậu nước vo gạo ngâm, bỏ thêm ít muối hột, ngâm trong một đêm. Sáng hôm sau, đổ nước vo gạo, thay bằng nước lã, cũng bỏ thêm muối vào ngâm như trên, ngâm thêm một ngày (ngâm hành có tác dụng cho hành đỡ cay hơn). Sau đó bóc vỏ, cắt rễ, để ráo nước.

Khi muối hành, người ta đun nước sôi, để nước nguội bớt còn khoảng 400C, có thể lấy ngón tay để thử nước, nước vừa đủ độ nóng ấm, không để nước nóng quá sẽ làm chín củ hành và sẽ rất khó lên men khi muối. Nếu muối 2kg hành khô thì pha thêm 2 thìa muối, 2 thìa đường, 2 thìa dấm trắng vào 1 lít nước ấm. Cho hành vào lọ thủy tinh, đổ nước đã pha cho ngập hành, cho thêm một chén nhỏ nếp hương (giúp cho hành trắng đẹp và thơm), rồi nén như muối dưa. Sau một tuần là có thể lấy hành ra ăn được. Vì thế, người ta thường muối hành vào khoảng từ ngày 20-25 tháng chạp, để kịp sử dụng trong các bữa ăn ngày Tết.

Ngoài muối dưa hành, người dân xứ Nghệ còn muối thêm dưa món làm từ củ su hào và cà rốt để làm phong phú cho bữa ăn ngày Tết. Để muối dưa món ngon cần làm sạch su hào, cà rốt bằng cách gọt vỏ, rửa sạch, tỉa thành những đường kẻ để tạo hoa văn, thái mỏng vừa phải, nếu thái mỏng quá sẽ không được giòn. Sau đó ướp muối và rửa lại bằng nước sôi để nguội, hoặc cho dưa món vào ngâm nước muối ấm, để một lúc rồi rửa lại bằng nước sôi để nguội. Khi muối cần vớt su hào, cà rốt ra để ráo, sau đó hòa nước muối ấm, cho thêm một ít đường, dấm, tỏi đập dập, nếm thấy không mặn quá cũng không nhạt quá thì cho nguyên liệu vào. Dưa món muối trong 3-5 ngày là có thể ăn được.

Khi bày ra đĩa, người ta có thể trộn lẫn dưa món và hành muối để thấy được sự hài hòa của màu hành trắng tinh, màu cà rốt và su hào xen lẫn rất hấp dẫn. Trong mâm cỗ Tết, mùi chua chua của món dưa hành, dưa món lan tỏa làm kích thích dịch vị của người thưởng thức và làm cho bữa ăn ngày Tết hấp dẫn, đậm đà hơn.

4. Thịt bò rim

Thịt bò rim là món ăn ngon và rất phổ biến ở xứ Nghệ. Trước đây, món ăn này chủ yếu được nấu vào dịp Tết. Ngày nay, món thịt bò rim còn được dùng trong đám cưới, giỗ chạp và trong bữa ăn ngày thường.

Nguyên liệu để chế biến gồm có: thịt bò, mật mía, gừng, tỏi, hành tăm, hạt tiêu, quế chi, nghệ, hạt nêm, nước mắm. Chọn mua thịt bò bắp hoặc thịt mông, thịt có độ dẻo, dính, tươi. Thịt bò bắp thái miếng to khoảng 100-200g, ướp với gừng, tỏi, hành tăm giã nhỏ, hạt tiêu, nghệ, mật mía, hạt nêm, nước mắm... khoảng 1-2 giờ. Cho lên bếp đun nhỏ lửa (khi đun không cần cho nước vì nước từ thịt tiết ra) đến khi thịt chín mềm là được. Màu thịt thành phẩm là màu cánh gián đậm, có mùi thơm mặn ngọt rất hấp dẫn. Khi ăn thái mỏng ra đĩa và rưới nước thịt lên. Thịt bò rim ăn với bánh chưng và hành muối rất ngon.

5. Giả cầy lợn/ ngan

Ở xứ Nghệ, vào dịp Tết người ta thường nấu giả cầy ngan hoặc chân giò, tùy vào sở thích của từng gia đình. Để nấu được nồi giả cầy ngon, cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau: Ngan hoặc chân giò lợn, nghệ, riềng, sả, hành củ, mắm tôm, mật mía, nước mắm, muối, ớt bột, vỏ quýt hoặc lá quýt, một ít rượu.

Trước khi nấu, ngan hoặc chân giò được làm sạch, dùng rơm hoặc quấn giấy báo thui vàng. Chặt miếng to bằng hộp diêm, ướp mật mía, mắm tôm, nghệ bột, riềng, sả thái nhỏ, hành củ, muối, nước mắm, rượu, ớt bột, trộn đều, ướp khoảng 30-40 phút. Bắc nồi chân giò hoặc ngan đã tẩm ướp lên bếp, đậy vung, đun nhỏ lửa, thỉnh thoảng đảo đều. Khi thịt săn, ngấm mắm muối, cho thêm nước sôi vào, đậy vung, đun nhỏ lửa để sôi âm ỉ khoảng hai tiếng. Thịt chân giò hoặc ngan chín mềm, vị ngon ngọt đậm đà, thơm mùi riềng sả, nước sánh, có màu vàng nghệ. Đây cũng là món ăn rất hấp dẫn trong ngày Tết.

5. Thịt gà nấu đông

Thời tiết trong những ngày Tết ở xứ Nghệ thường se lạnh, vì vậy rất thuận lợi cho việc chế biến món thịt đông mà không cần tủ lạnh. Người ta thường nấu thịt đông bằng nguyên liệu từ thịt gà, thịt chân giò lợn, bì lợn, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu, ớt bột, bột canh, nước mắm ngon.

Sau khi đã chọn mua đủ nguyên liệu cần dùng và làm sạch thịt gà. Cho phần xương, chân, cổ, cánh gà vào nước lạnh, cho thêm tý bột canh, nấu kỹ lấy nước dùng. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nước, rửa sạch, thái chỉ. Bì lợn rửa sạch, thái nhỏ. Thịt gà luộc xé nhỏ. Thịt chân giò lợn thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm. Cho toàn bộ thịt gà, thịt chân giò đã ướp gia vị, bì lợn, mộc nhĩ, nấm hương và nước dùng vào, nấu lửa nhỏ, hớt bọt cho đến lúc chín mềm. Nếm gia vị vừa ăn, sau đó cho vào bát hoặc đĩa sâu lòng, để nguội. Khi ăn cắt ra thành miếng vừa miệng, ăn kèm với dưa món và hành muối. Món thịt nấu đông ăn ngon, không ngấy, nhìn rất đẹp mắt, lại có vị thơm ngọt mát của nấm và thịt gà.

Trong dịp Tết ở xứ Nghệ, ngoài các món mặn nêu trên, người ta thường nấu các loại chè, bánh ngọt để làm bữa phụ, như: chè khoai vạc, chè kê, chè đỗ xanh, chè kho, bánh ngào, bánh ong, bánh rán nhân đậu… Các món ăn này góp phần làm cho bữa ăn ngày Tết của người xứ Nghệ thêm đậm đà, ấm cúng, phong phú và đa dạng.

Nhìn chung, các món ăn trong ngày Tết ở xứ Nghệ đều thỏa mãn được nhu cầu ăn Tết và thưởng thức ẩm thực của người dân. Trong việc chế biến các món ăn, người ta cũng cầu kỳ trong lựa chọn nguyên liệu, trong khâu nấu và trình bày món ăn. Ăn Tết, người Nghệ không chỉ có nhu cầu no bằng mắt mà còn thưởng thức bằng tất cả các giác quan. Vì thế, các món được chuẩn bị với số lượng nhiều để đủ dùng trong ba đến bảy ngày Tết. Ăn Tết không nhất thiết là ăn đúng ba bữa. Gia đình nào cũng chuẩn bị cỗ Tết và các món ăn chế biến sẵn, để sau khi du xuân về hoặc đi chúc Tết anh em, bè bạn, mọi người trong gia đình có thể cùng chung vui trong bữa ăn ngày Tết mà không còn phải mất nhiều thời gian chuẩn bị. Các bà, các mẹ, các chị đã vất vả quanh năm để lo nội trợ, đến chiều 30 Tết là hoàn tất việc chuẩn bị để ăn Tết, đón Tết. Vào ngày Tết, mọi người trong gia đình đều được hưởng không khí của lễ hội, được ăn chơi và có thời gian để ôn lại những thành công và vất vả trong một năm qua./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây