Ai đã một lần đến Đô Lương, được nhấm nháp vị ngọt của kẹo lạc và cảm giác giòn tan trong miệng của những chiếc bánh đa vừng nơi đây hẳn sẽ không bao giờ quên
Ở đây có nhiều làng làm bánh đa-kẹo lạc, nhưng nổi tiếng là làng Vĩnh Đức. Về Vĩnh Đức những ngày đầu tháng 5, chúng tôi bắt gặp những người thợ thoăn thoắt bên những lò than rực đỏ để cho ra những sản phẩm ngon và đẹp mắt. Bánh đa sản xuất ra không kịp phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của các thực khách tại các nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh. Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Gạo phải trắng, tuyệt đối không lẫn trấu hay cám. Gạo được xay nhuyễn với nước rồi trộn với vừng (mè) đen, cùng với tỏi giã nhỏ, hạt tiêu được xay mịn và những gia vị vừa đủ rồi tráng bằng nồi hấp. Khi bánh chín thì vớt ra, cho lên giá phơi cho đến khi khô giòn. Công đoạn tráng bánh khá công phu và là khâu quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Nếu người thợ tráng hơi non tay thì bánh không có độ đều và dày cần thiết, khi nướng có thể bị vẹo bánh.Chính bởi sự công phu và mang dư vị riêng này nên sản phẩm bánh đa, kẹo lạc Đô Lương giờ đây đã trở thành thương hiệu quen thuộc với khách hàng ở khắp nơi. Ông Trần Đình Kiều, Trưởng phòng Công nghiệp - Dịch vụ huyện Đô Lương cho biết: "Làng nghề Vĩnh Đức trải qua hơn 100 năm và hiện nay có trên 130 hộ làm nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc theo phương pháp truyền thống, thu nhập lao động đạt từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng/người/tháng".Nhiều cụ trong làng kể lại, sở dĩ bánh làng Vĩnh Đức ngon là do mạch nước ở đây làm cho cây lúa làng có hương vị đặc trưng riêng. Bởi thế khi lấy nguyên liệu ở nơi khác về làm thì bánh không ngon như làm bằng nguyên liệu tại chỗ, hoặc một số nơi ở Đô Lương cũng làm bánh đa nhưng lại không có vị riêng như ở đây. Ngòai ra vừng sẽ làm cho bánh thêm bùi, ngọt , tiêu và tỏi sẽ làm cho bánh thơm, khi ăn có vị cay nồng dễ chịu. Muốn ăn bánh người ta nướng lên bằng than củi. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. Thông thường, bánh được ăn kèm với bánh mướt (một loại bánh được làm từ bột gạo nhưng ăn ngay khi vừa tráng xong). Cuốn bánh mướt vào một miếng bánh đa rồi chấm vào bát nước mắm cay, khi cắn nghe tiếng "rốp" thật đã. Giờ đây đời sống đã được nâng lên, người ta thường ăn bánh mướt với giò, chả nhưng nhiều người vẫn nhớ và thích ăn cái kiểu "nửa khô nửa ướt" ấy. Ngoài ra, món "bún giá cá ruốc" sẽ ngon hơn nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và cùng một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc (mắm tôm) đã dầm ớt vắt chanh. Vị cay nồng hoà cùng với vị ngọt bùi thêm một ít vị chua, khi ăn mồ hôi túa ra, thật sảng khoái ! Bao người Nghệ đi xa vẫn cứ nhớ cái món ăn sáng trong phiên chợ đầu làng, rồi cứ day dứt, mong ngóng ngày về... Ghé thăm gia đình chị Thảo - một hộ làm nghề lâu năm, chị tâm sự: "Gia đình tôi làm nghề từ lâu lắm rồi, cũng không nhớ chính xác nữa, khi còn rất nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ làm nghề bên những lò than rực đỏ. Công việc tuy vất vả nhưng vui lắm, lại giúp gia đình tăng thêm thu nhập, hơn nữa đây lại là nghề của ông cha mình truyền lại, ít nhất phải giữ lấy nghề...". Gần đây, không chỉ làm bánh, người dân còn biết chế biến thêm món kẹo lạc. Tham quan các xưởng sản xuất nhìn những động tác tráng bánh thoăn thoắt, đúc kẹo vào khuôn chính xác và cẩn thận của những người thợ mới thấy họ yêu nghề và trau nghề đến chừng nào. Cũng từ cái nghề dân giã này mà làng nghề Vĩnh Đức đã thay da đổi thịt, nhà cửa mọc lên san sát, hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi. Để hỗ trợ sản xuất, chấm dứt tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, chính quyền huyện Đô Lương đang khẩn trương xây dựng đề án "Phát triển nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức". Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề của tỉnh. Hy vọng một ngày gần đây trở lại Vĩnh Đức, sẽ thấy làng nghề mang diện mạo mới, khang trang và sôi động hơn, thương hiệu "bánh đa, kẹo lạc Đô Lương" sẽ ngày càng vươn xa.
Bài ảnh: Song Hoàng