Mặc dù đã đi một đôi lần vẫn cứ trông chừng kẻo lạc để mà chú ý rẽ tay phải ngược thêm dăm chục cây số nữa về vùng cam nổi tiếng của liên hiệp nông trường Phủ Quì. Vùng đất ngày trước, hoang dại chỉ có lèo tèo một vài đồn điền trại ấp của bọn thực dân Pháp cắm tại đây để bóc lột sức lực phu phen được chiêu mộ đến đây trồng chè, cà phê, cao su làm giàu cho chúng.
Gần 30 năm trước những đoàn cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, những anh bộ đội cụ Hồ ngày ấy gọi là Vệ Quốc đoàn đã sát cánh cùng nhau lập nên cái nông trường quân đội này. Họ đã cải tạo, khai phá mở rộng vùng đồn điền cũ thành một khu rộng lớn và trồng thêm chè, cà phê.
Điều đáng quí là trong thời gian đó, các chiến sĩ làm kinh tế đã được các nhà nông học chỉ dẫn giúp đỡ trồng trọt và đã mở thêm hướng lai tạo giống cam Xã Đoài nổi tiếng vốn khó thích nghi ổ nơi đất lạ với giống cam ngoài Bắc thành một giống mới mà ta quen gọi là cam Vinh bây giờ.
Sau này các nông trường “mồng ba tháng hai", nông trường Xuân Thành Đông Hiếu rồi Tây Hiếu của Liên hiệp nông trường Phủ Quì nghiên cứu chăm bẫm thêm nên giống cam Vinh đã trở nên thuần chủng.
Thế là vùng đất đỏ Phủ Quì không chỉ nổi tiếng bởi chè, cà phê, cao su, mít, dứa mà còn bởi giống cam Vinh vỏ mỏng, mọng nước vị ngọt thanh ai đã từng ăn một lần dễ chi mà quên được.
Ngồi trên ô tô vo vo bánh xe lăn trên những con đường đất đỏ, khách từ Tây Hiếu về Đông Hiếu, ngược mạn Quì Hợp của miền Tây Nghệ Tĩnh - cơ ngơi của liên hiệp Phủ Quì dễ dàng bắt gặp những “rừng cam” bạt ngàn mọc theo từng lô thẳng tắp xen lẫn những vạt chè, cà phê, mía trông thật bắt mắt chẳng phải của riêng mình mà cũng mừng vui kiêu hãnh. Mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra thổ ngơi xứ này hình như sinh ra là để dành riêng cho cây cam là chính. Vùng đất đỏ ba gian vốn đã có duyên nợ với cây chè cây cà phê thì càng thích hợp với cây cam. Những miệt rừng cam trải dài trước mắt du khách là đã tồn tại hàng vài chục năm rồi, cây đã cao vượt đầu người đứng thẳng hàng vươn cao vươn xa tít tắp nhưng nào đã thẩm vào đâu. Quy hoạch tổng thể của liên hiệp có trên 10 ngàn hecta có thể trồng cam thì nay mới được non một nửa.
Cả năm, khách phương xa thường ít đến Phủ Quì nhưng về mùa cam con đường đất đỏ lừ ngã ba Yên Lý ngược mạn tây Nghệ Tĩnh này cứ là nườm nượp xe cộ. Cuối tháng tám đến non nửa tháng mười âm lịch là thời gian vui nhộn nhất của các nông trường Xuân Thành, Đông Hiếu, Tây Hiếu. Suốt dọc con đường đất đỏ bạn chỉ toàn ngửi thấy hương cam phảng phất đưa bay, cái mùi hương đặc trưng duy nhất chẳng thể nơi nào có được quá dư thừa như thế.
Xứ cam này ít mưa, trời khô ráo, mặt đất sạch bong không vương rơm rác, dưới gốc cam bạn có thể nằm ngửa mặt nhìn lên cao không cần trải chiếu hoặc ngồi bệt chẳng sợ lấm quần để tha hồ thả hồn ngắm những tán lá cam xanh biếc chi chít những quả chín vàng cứ như sao xa lấp lánh trên nền trời sẫm tối.
Chỉ cần với tay ra xa một chút, bạn đã có thể đụng vào chùm quả la đà trĩu ngang trước mặt ngay chỗ bạn ngồi thư giãn. Bạn có nhìn thấy ai đang đi trong rừng cam không? Đó là cô gái nông trường đang len lõi đi giữa các lô cam, lưng đeo giỏ mây tay hái tay lựa, nếu phát hiện ra bạn, có thể lắm bạn sẽ được cô gái bóc mời nếm một quả ngon nhất. Khi bắt tay tạm biệt người trồng cam mới một lần gặp gỡ vô tình chắc rằng hương cam sẽ còn ướp qua bàn tay đó lan truyền thấm sâu vào lòng khách.
Nông trường cam lúc đêm đang buông nếu đúng tuần trăng tỏ thì ôi thôi sao cái đẹp cứ mơ mơ màng màng; chẳng biết là đang trong cõi thực hay trong mơ ảo.
Nếu đã thành vợ chồng hay còn là cặp tình nhân dạo bước trong rừng cam duyên tình chắc càng thêm nồng thắm nhất là đúng lúc vụ cam đang chín rộ ai mà chẳng lầm đang lạc bước vào thiên thai! Mùa trẩy hái cam rộn rã, máy nổ chạy thâu đêm rọi sáng tưng bừng vào hàng cây vào các lán dựng tạm giữa lô cam làm chỗ nghỉ chân, chỗ chứa cam trước lúc chuyển lên xe chở về nơi nào đó.
Ngày giữa rừng cam từng tốp từng tốp thanh niên trai gái dang xúm xít lau chùi, lựa chọn, phân loại từng trái để bọc giấy xếp thùng chờ xuất khẩu. Mỗi thùng gỗ đóng vừa đủ 20kg, mỗi kg gọn trong 8 - 4 quả. Xong xuôi niêm phong đóng đai sất cặp chì xếp lên xe tải chở về Liên hiệp rau quả Bộ Ngoại thương. Chỉ hai ngày sau những thùng cam chín sẽ được "leo" lên tàu biển sang Âu châu, sang Nhật Bản, Hồng Kông... Loại cam không đủ tiêu chuẩn xuất thì chuyển cho Nội thương để tiêu dùng nội địa. Năm 1985 xa xưa, đã xuất trên 5.000 tấn cam như thế huống chi bây giờ cơ chế thị trường mở rộng quả cam còn “lan” đi khắp nơi và phải hàng vạn hàng vạn tấn mới đủ cung cầu thế giới.
Diện tích đất đai Phủ Quì đang mở rộng, cam sẽ trồng đại trà hơn nữa để đưa đi xa hơn và được bảo quản hiện đại để giữ cho trái cam tươi lâu hơn xứng đáng thứ cam Vinh ngọt ngào dư nước thừa hương.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn