Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng với loại thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng và có hàm lượng acid amin cao này, nhiều dân tộc trên thế giới đã tìm cách ăn nó theo một cách tươi nguyên là ăn sống.
Xuất phát điểm từ vài nước Trung Á, Tartare Steak là món thịt bò sống được nhiều người biết tới trên thế giới. Món ăn này thực chất chỉ là thịt bò hoặc đôi khi là thịt ngựa được băm hoặc thái nhỏ.
Phổ biến trong các nhà hàng Âu là loại tartare được cắt hoặc băm từ phần thịt ngon của con bò, được ướp trong rượu mạnh cùng các loại gia vị và giữ lạnh. Món ăn được dọn lên bàn của thực khách bao gồm một phần thịt sống đã băm, kèm với đó là hành, hạt tiêu, nước sốt, đôi khi thêm một quả trứng sống và bánh mì lúa mạch đen.
Ở một số nước khác như Đức hoặc Đan Mạch, món này có thể được ăn chung với khoai tây chiên, bánh mì sandwich. Người Mexico thì lại ăn tartare được ngâm trong nước cốt chanh thay vì ngâm trong rượu.
Nếu thấy khó tưởng tượng ra món ăn này, bạn có thể xem một đoạn ngắn trong loạt phim
Mr. Bean. Anh chàng Bean hào hứng bước vào một nhà hàng Pháp và suýt ngất xỉu khi người bồi bàn mang ra một phần toàn thịt băm sống… chính là tartare.
Món ăn này rất kén người ăn, nhưng nếu đã thử bạn sẽ bị lôi cuốn bởi hương vị tươi ngọt của thịt sống và sẽ muốn la cà sang một số nơi khác trên thế giới, nơi mà thịt sống là một món ăn truyền thống, mặc dù không phổ biến và được khuyến cáo với khách du lịch. Ví dụ như món Crudo của Đức, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là tươi sống, cũng gần giống như tartare. Thịt bò sống được băm nhuyễn, phết trên bánh mì trắng, rưới thêm nước cốt chanh, hành tây xắt nhỏ…
Ở Nepal, món Kachila cũng phổ biến. Đây là món thịt bò hoặc trâu băm nhỏ, ăn chung với mù tạt, hạt cây thì là, tỏi băm và một số gia vị địa phương.
Ở Hàn Quốc, người ta cũng có một món ăn có thịt bò sống tên là Yukhoe. Người Italy vốn nổi tiếng tinh tế và cầu kỳ trong cách chế biến đồ ăn, cũng có một món thịt bò sống trứ danh là Carpaccio. Thịt bò sống thái mỏng, rưới dầu ô liu, nước cốt chanh, ướp lạnh là món ăn ưa thích của họ trong những ngày hè oi bức. Món Carpaccio có thể dùng để gọi tên món cá hồi được chế biến tương tự.
Tất nhiên, vấn đề vệ sinh thực phẩm là yếu tố khiến bạn cần cân nhắc trước khi thử một món ăn lạ lẫm đến thế này, nhưng nếu nó được phục vụ trong những nhà hàng danh tiếng và đảm bảo về chất lượng vệ sinh thực phẩm thì chúng xứng đáng được thử.
Bạn lưỡng lự và muốn trải nghiệm thì bắt đầu bằng món bít tết của Mỹ là Pittsburgh rare steak. Loại bít tết này được làm theo phong cách Pittsburgh và được chế biến khá đơn giản. Miếng thịt được làm nóng ở nhiệt độ cao trong một thời gian ngắn, vì thế rìa ngoài của miếng thịt có thể cháy xém, nhưng bên trong, vẫn còn nguyên phần thịt sống đỏ hồng. Những người thích ăn bít tết theo kiểu này thường đùa rằng, người đầu bếp đã làm món này với một ngọn đèn khò hàn, vì chỉ có đèn khò mới có thể phát ra loại lửa nóng và nhanh đến thế.
Một giai thoại khác lại cho rằng món ăn này xuất phát từ một nhà máy sản xuất thép nào đó ở Pittsburgh. Trong các bữa trưa, những người công nhân ở đây không có thời gian nấu ăn và đã làm chín miếng thịt một cách nhanh nhất có thể trên một miếng thép được nung nóng. Dù thế nào đi nữa, thì đây vẫn là một món ăn đáng để thử.
Nhưng nếu bạn yếu bụng hoặc không phải là người thích trải nghiệm những món ăn lạ thì hãy bằng lòng với cách ăn thịt bò tái kiểu Việt Nam. Những miếng thịt bò mỏng thái khéo được nhúng nhanh trong nước cũng đủ ngọt ngào và gây cảm giác thèm như bất kỳ món ăn trứ danh nào trên thế giới. Chẳng thế mà phở bò Việt Nam cùng với những gia vị của nó dẫn dụ và mê đắm biết bao nhiêu du khách khi quay trở lại mảnh đất này.
Nếu bạn có cơ hội đến Hà Nội, hãy ghé thử những quán bắp bò chần trên vỉa hè phố cổ. Sau một ngày tản bộ mua sắm, ngồi trên ghế nhỏ lúp xúp vỉa hè, nhai miếng bắp bò tái giòn sần sật và húp thìa nước xương hầm ngọt lịm thơm vị hành, bạn sẽ thấy ẩm thực vỉa hè nơi này còn biết bao điều cần phải khám phá nữa.