Bây giờ thuyền đã xa bờ tới vài chục hải lý, máy bắt đầu giảm tốc độ, thuyền lướt chầm chậm rồi lưới buông.
Sóng vẫn bập bềnh, nắng chiều vàng ươm. Một vài bạn chài trên thuyền lim dim. Riêng lão ngư vẫn tỉnh, xắn tay áo lên tới sát nách, lão lôi trong khoang cuốn li một chậu nhôm nhỏ trắng bong chứa sẵn tôi một phần ba là mắm tôm, thứ mắm sền sệt xứ Nghệ, ngọt đậm đà. Kề bên là một làn nhựa đựng hơn chục trái khế tao, ít quả chuối xanh già, một nắm ớt quả đỏ chói, mấy củ gừng tươi, dăm quả chanh mọng và khá nhiều rau thơm, rau mùi, đinh lăng, lá sung, lá ổi, mùi tàu, kinh giới, tía tô cùng với hàng lô lá khác tôi chưa kịp nhận ra mà cũng không biết hết.
Thế rồi, lo “phay" tất cả từng ấy nguyên liệu trừ rau thành những lát mỏng rồi trộn… vào chậu, đổ thêm một thìa đường to, vắt tiếp chanh vào “ngào” cho tới khi nhuyễn. Chừng non tiếng đồng hồ sau, chậu mắm đã biến thành chậu gia vị tổng hợp có vị ngọt của mì chính của đường, có vị chua của chanh của khế, vị cay của ớt của gừng và vị chan chát của chuối xanh tước vỏ. Phủ lên trên hết là đậm đà vị mắm mặn nồng. Và khi thêm mấy thìa hạt tiêu bột rắc đều vào nữa thì bỗng dậy lên một mùi thơm khác hẳn, vô cùng quyến rũ.
Hình như món gỏi cá thu ăn nơi "giã ngoại" không cần đến việc chuẩn bị pha một bát "giấm” có lẫn gừng tỏi ớt lạc rang vừng trắng, rượu mật mía nước mắm ngon xào vàng để rưới lên cá lên rau thường ăn như thế trên “cạn”. Đúng vậy, lào ngư bảo: “những thứ gì thấy thiếu như ăn ở nhà thì đã có đủ trong chậu mắm rồi, cứ ăn theo “tụi tau" xem có hơn không? Tôi không dám tranh cãi điều gì, tất cả đều do khẩu vị mà khẩu vị có bao giờ giống nhau đâu, nên tôi chợt nghĩ lão ngư cho thưởng thức món gỏi cá “lưu động trên thuyền” mà có đủ loại rau thơm và chất chua cay mặn chát của bao nhiêu thứ củ quả như thế là đã đáng bái phục lão là người sành điệu lắm rồi. Thế rồi mẻ lưới đầu tiêu được kéo lên vào lúc mặt trời sắp lặn. Ánh tà dương đỏ rực lấp lánh trên từng bộ mặt, bộ ngực màu đồng của lão ngư và bạn chài trai trẻ. Trong cái bồng bềnh của sóng và gió, người ta mang ra mười con cá thu cỡ bắp tay người lớn tròn lần chắc nịch đang còn giẫy đành đạch.
Chậu gia vị và rau thơm chuẩn bị từ những phút ban đầu chưa tung lưới giờ lại được lôi ra cùng với một can nhựa rượu đế. Lão ngư tóm chặt đuôi từng con cá dốc ngược lên rồi bấu vào chót đuôi xé ngược lên lấy hai miếng lườn. Phần còn lại quăng luôn vào nồi nấu. Những miếng lườn cá tươi sống được lão ngư thái mỏng tang như tờ giấy, quấn lá thơm rồi dầm ngập trong chậu mắm gia vị cho tái đi trong chốc lát. Rượu rót ra bát. Mọi người xúm quanh kể cả tôi nữa. Tôi uống ực một ngụm rượu, tay bốc miếng gỏi đúng như kiểu ăn dã ngoại của ngư dân rối đưa thẳng lên miệng, thú thực: vẫn thấy ghê ghê không như ăn gỏi cá nước ngọt thấy thích thú ngay từ đầu. Thế nhưng tôi đã lầm bởi vừa nhấm miếng cá đầu tiên tôi thật bất ngờ thấy mình đã gặp ngay vị ngọt mát đến mức lan toả khắp miệng lưỡi và kỳ lạ sao không hề cảm thấy tanh tươi chút nào cho dù mùi nồng nặc của đàn cá sống đang quẫy đập tung toé dưới hầm bốc lên đến nghẹt thở.
Quả là bữa gỏi cá thu nhớ đời. Một bữa ăn chiêu đãi dân dã phóng túng y như tâm hồn những ngư dân chân chất miền quê xứ Nghệ suốt một đời người lăn lộn với biển khơi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn