Ngày tôi còn nhỏ, gia đình tôi mỗi năm thóc gạo cấy cày trong hai vụ chỉ đủ ăn trong khoảng hơn nửa năm là cùng. May mà nhà nhận nhiều ruộng khoán, dễ đến hơn một mẫu đất nên mẹ thường trồng ngô, khoai khá nhiều. Khi thiếu đói hết gạo, sẵn ngô trong bồ và khoai dưới gầm giường, mẹ thường bỏ ra bung, luộc để ăn. Ngô thì thường được bung lên rồi đem độn lẫn với cơm để ăn vào bữa chính. Còn khoai lang thì cách chế biến duy nhất chỉ là mang luộc.
Khoai mới đào ở ruộng về thường bở tơi như đỗ ăn đến nghẹn cả cổ. Giống khoai Hoàng Long vỏ đỏ, ruột vàng vừa năng suất lại ăn rất ngon. Khoai lang nhà tôi thường trồng vào vụ đông với khoảng ba, bốn sào nên dịp áp Tết đào được rất nhiều. Các gầm giường, gầm tủ, góc nhà… đều được tận dụng làm chỗ chứa khoai. Khoai chất ngổn ngang, và nhiều năm nhà tôi còn phải chất cả một đống khoai ở ngoài sân rồi che bạt lên bởi trong nhà không còn chỗ mà chứa nữa. Khoai mới đào ăn bở thơm như bánh khảo là thế nhưng muốn ăn nhiều cũng không ăn nổi vì nghẹn cổ.
Khoai luộc ăn nguội mới cảm nhận hết vị ngon ngọt lừ như đường phèn. Nguồn ảnh: internet
Thế nhưng, khoai đào để một thời gian, khoảng 2 tháng sau Tết thì ăn ngon tuyệt. Lúc này khoai héo luộc ăn ngọt như chuối, ăn đến no căng bụng mà vẫn thòm thèm. Năm nào cũng thế, giai đoạn nhà sắp hết gạo ở vào dịp ngoài Tết là sáng sáng, mẹ dậy sớm luộc một nồi khoai lang to tướng để cả nhà cùng ăn sáng. Khoai mẹ luộc khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi gạn cho cạn nước sau đó đậy vung đun tiếp cho tới khi khoai ở đít nồi cháy xém có mùi thơm của mật chảy ra. Trong lúc đợi mọi thành viên trong nhà ngủ dậy, mẹ bỏ khoai ra rổ cho nguội, bởi khoai luộc ăn nguội mới cảm nhận hết vị ngon ngọt lừ như đường phèn.
Hầu như sáng nào tôi cũng ăn khoai lang luộc như thế nhưng không thấy ngán mà vẫn thích thú, vẫn luôn mong đợi đến sáng để được ăn khoai. Chẳng riêng tôi, mà bố, mẹ, cả anh chị nữa cũng đều nói ăn khoai luộc ngon. Có hôm mẹ bận làm đồng, trưa không về nhà cũng mang kèm theo mấy củ khoai luộc thay cho bữa trưa. Bố tôi cũng vậy, nhiều bữa đi đào mương vác đất cũng mang khoai luộc thay cơm. Thực ra nhà vẫn có cơm, nhưng bố, mẹ nói cơm độn ngô ăn nhiều ngán nên muốn ăn khoai, bởi khoai luộc dễ ăn, lại ăn ngon nên mới làm như vậy. Những hôm mà bố, mẹ, hay anh, chị bận không về nhà buổi trưa vì công việc là bữa trưa sau khi tan học về tôi cũng không nấu cơm mà ăn khoai. Nếu khoai mẹ luộc ban sáng hết rồi thì tôi rửa khoai bắc bếp luộc lấy.
Khoai để héo luộc ăn ngọt như chuối, ăn đến no căng bụng mà vẫn thòm thèm. Nguồn ảnh: internet
Kéo dài vài, ba tháng, đến khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm, khi khoai trong nhà đã gần hết thì cũng là lúc lúa ngoài đồng sắp đến mùa gặt. Dẫu khấp khởi mừng thầm được ăn cơm trắng no nê, không phải ăn cơm độn ngô, sắn đến ngán ngẩm, nhưng trong tôi thường vẫn hoài tiếc vì nhà sắp hết khoai, và chẳng còn được ăn khoai luộc mỗi sáng nữa, vì mùa khoai kế tiếp lại phải chờ tới sau Tết mới có.
Sống ở thành phố đã nhiều năm nay nhưng tôi vẫn không thể từ bỏ thói quen thích ăn sáng bằng khoai lang luộc. Chẳng vậy mà mỗi lần về quê tôi thường được mẹ gói ghém cho một bọc khoai thật to để mang đi luộc ăn dần. Ôi, mỗi khi ăn củ khoai lang luộc ngọt ngào, tâm trí tôi vẫn luôn trào dâng hình bóng quê nhà mến yêu, bởi cũng chính những củ khoai này đã nuôi tôi lớn khôn và vượt qua những thời khắc nghèo đói…
Theo Nguyễn Long (Báo Tin Tức)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn