Sát đình có 2 cột quyết, trên có 2 con nghê chầu lại. Ngôi đình dài 16m, rộng 9m với 3 gian 2 hồi văn, 4 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang. Toàn bộ có 24 cột gỗ lim kê trên chân đá tảng, trong đó có 8 cột to, chu vi mỗi cột là 1,1 m và 4 cột xây vôi vữa đỡ tầng mái, nền láng xi măng, mái lợp ngói vảy. Diện tích khu vực đình rộng khoảng 1.500 m2. Kiến trúc đình làm theo kiểu tứ trụ tam oai.
Đình Bích Thị ngày nay.
Lễ hội xưa ở đình Bích Thị thật tưng bừng nhộn nhịp. Lịch lễ là ngày mồng 7 tháng Giêng - Lễ Khai Hạ và Rằm tháng Bảy âm lịch - Lễ Trung Nguyên. Ngày lễ trước đình có 3 cờ đại, 20 cờ phướn, cờ ngũ hành, trống dong cờ mở. Khi rước có 3 kiệu rồng, có bát bửu, siêu, phạng, đoàn bát âm và đông đảo bà con làng xóm. Nhân dân rước thần từ 2 đền Bản Cảnh, Bản Huyện về đình, lễ xong lại rước thần về đền. Ngôi đình cũng là nơi đón rước quan Hậu Quận về làm việc làng. Cụ Nguyễn Lâm Dự, Nguyễn Thế Hệ, Phan Cử, những nhà nho đậu đạt cao làm vinh hiển cho làng nước, quê hương. Ban đêm trước sân đình, các già làng, trùm phường tổ chức diễn tuồng Trung Trắc, Trưng Nhị, hát chầu văn, ca trù, có đánh xinh tiền, gõ mõ thật vui vẻ.
Năm 1930-1931, hoà trong khí thế đấu tranh sôi nổi của nhân dân Nghệ An, bà con xã Thanh Giang đã tập trung tại đình mít tinh, biểu tình, tiếng trống làng rộn rã vang dậy cả tổng Xuân Lâm, Võ Liệt. Tự vệ đỏ đã treo cờ búa liềm trên cây gạo cạnh đình, rồi tiến đến huyện đường Thanh Chương cùng với các tổng khác, đốt giấy tờ sổ sách, giải thoát cho chiến sỹ cách mạng bị địch giam giữ năm 1931...
Năm 1945, đồng chí Nguyễn Côn (sau này là Phó Thủ tướng), cũng đã về Thanh Giang chỉ đạo cướp chính quyền. Trong những ngày này, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc đình, nhân dân tập trung nghe Việt Minh đọc lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Thanh Chương. Cụ Nguyễn Xuân Đồng năm 2010 đã 88 tuổi (bố của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam) là tự vệ bảo vệ Uỷ ban lâm thời tổng Bích Hào.
Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố lịch sử, đình Bích Thị đã chứng kiến, góp phần phục vụ bộ đội và nhân dân trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Năm 2002, Đảng uỷ, chính quyền xã đã cho tu sửa ngôi đình khang trang, trả lại dáng xưa cho công trình lịch sử bên dòng sông Lam. Ngôi đình đã từng đón rước các vị tiến sỹ, cử nhân vinh quy về làng trong sự trọng vọng của bà con làng nước; một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị ở huyện Thanh Chương cần phải được bảo vệ giữ gìn, góp phần giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ trẻ hiện nay.