Ở quê tôi, cứ độ năm nào vừa ra Giêng mà trời đã oi ả, vừa tưng tửng sáng đã ngửi mùi nồng nồng âm ẩm của hơi đất, của nắng và thoang thoảng trong gió mùi hoa xoan báo hiệu mùa Hạ đến sớm thì đích thị năm ấy ngư dân bãi ngang được mùa sứa.
Không hiểu vì sao tôi lại thích cái dư vị mằn mặn, tanh tanh của cái động vật thân mềm ấy? Có lẽ phần vì lạ miệng, phần nữa là thương dáng vẻ tảo tần lam lũ của những con người miền biển làm ra nó và dáng tảo tần của mẹ. Ngày xưa đường sá, xe đạp chưa có mẹ phải chạy bộ gần chục cây số bán hết một gánh dây khoai lang, mua được cân sứa phải tất tưởi chạy về, dọc đường phải vò lá ổi, lá sim thật chát ủ vào không cứ lo nó tan ra thành nước. Giữa trưa hè nóng bức nhìn bát sứa ngầy ngậy nhưng nhức nước bỗng thấy mát lạ, vị tanh tanh của sứa cay cay nồng nồng của gừng, của ớt cùng vị the mát của rau răm, húng quế, tất cả quyện lại thành một vị đặc trưng.
Trong tiềm thức tuổi thơ tôi mùa sứa gắn liền với những người dân vạn chài vùng bãi ngang, những bà những cô hàng nước mắm, tay chân đen đúa mà mỗi lần đi ngang qua bọn trẻ chúng tôi phải lấy tay bịt mũi vì cái mùi khăn khẳn của nước mắm mặn và mùi mồ hôi khen khét, giữa trưa hè chang nắng mà đôi chân trần vẫn sải bước trên cát bỏng, có lẽ kế sinh nhai đã biến đôi chân họ thành chai…
Cuộc đời lênh đênh trên từng con sóng khiến họ mặc định số phận nhỏ nhoi cho biển cả và sự đỏng đảnh của thời tiết khắc nghiệt miền nhiệt đới, mỗi lần trên đài có tin bão xa là những người vợ tất tưởi ra bãi ngang thấp thỏm đợi chờ, lời khẩn cầu, điệu hò đưa linh thảng thốt như lọt thỏm vào lòng biển đêm thăm thẳm. Đại dương là thế, có lúc chỉ là những ngọn sóng lăn tăn gõ nhẹ mạn thuyền như lời vỗ về yêu thương của mẹ hiền nhưng cũng có lúc nổi cơn cuồng nộ của người cha nghiêm khắc… Cơn bão số tám tràn qua các tỉnh miền Trung như một lời cảnh cáo đắt giá cho những ngư phủ nhỏ nhoi tội nghiệp: Chiều sau bão cả bờ biển dài trở nên hoang tàn lạnh lẽo, bóng dáng những vành khăn trắng của biển không chồng xa xa le lói ánh đèn dầu như ma trơi, tiếng khóc hờ của những người vợ trẻ khiến chiều bãi ngang rờn rợn buồn tê tái.
Nghe có chủ trương đưa cây cao su về vùng đất đỏ, những viễn cảnh tươi đẹp mà người ta hứa hẹn đã thôi thúc họ, những người quanh năm chỉ quen ăn sóng nói gió, họ lũ lượt bìu ríu nhau lên tuyển mộ công nhân như tìm cứu cánh ở vùng đất hứa, lũ nhóc chúng tôi nhìn họ bằng ánh mắt tò mò lạ lẫm của trẻ thơ, lũ trẻ con miền biển chiều tà quấn chân mẹ ra bãi ngang đón tàu giờ bỗng dưng rơi tõm xuống vùng đất đỏ lạ hoắc, chúng tách biệt không chơi với bọn tôi, ánh mắt vừa buồn bã vừa cam phận… Trong số đoàn người ly hương ấy tôi để ý và có cảm tình với chú, chàng trai miền biển chính cống với làn da đen bóng màu đồng, đôi cánh tay vạm vỡ nhìn tướng người rất gấu nhưng chú lại hiền khô, lũ chúng tôi ham chơi để bò xộc vào xơi tái mấy luống khoai mới trồng nhác thấy bóng chú lừ lừ cả bọn sợ rúm ró nhưng chú chỉ ồn tồn nhắc nhở rồi cho về.
Trên biển chú như con kình ngư lanh lợi bao nhiêu thì lên bờ chú lại vụng về ngờ nghệch bấy nhiêu. Có lẽ vì chú hiền lành chất phác quá nên bao nhiêu lô đẹp đất tốt người ta giành hết, bị vợ ỉ ôi mắng mỏ chú chỉ cười hề hề. Ba mẹ tôi thương cô chú hiền lành lại chân ướt chân ráo mới lên thiếu thốn trăm bề nên cũng động lòng giúp đỡ, khi vài ba chục khi bát gạo củ khoai lúc giáp hạt … Những mùa sứa về thể nào chú cũng về quê mang lên một ít hai ông uống rượu, chiều sâm sẫm tối chú mới thập thò ở cửa với chiếc bị cói đựng chai rượu gạo, sứa, rau sống, gia vị cắt sẵn, xoa tay cười giả lả “em về quê mang lên ít sứa ngon anh em mình uống rượu, giờ mới đến vì sợ kẻ xấu bụng bắt gặp nghĩ xiên xẹo mang tiếng cho anh”… Những mùa sứa biển cứ thế trôi qua, cây cao su cũng lớn dần trong niềm khắc khoải về một khát vọng đổi đời trên vùng đất mới nhưng cuộc sống là dòng chảy không ngừng, dù anh có là ai đi nữa thì cũng không thoát khỏi vòng xoáy thời gian và quy luật đào thải của nó. Hôm thông báo quyết định cho chú nghỉ chế độ ba buồn lắm, “biết làm thế nào được hả chú? Tụi mình già rồi, người ta cần thanh niên trẻ, khỏe đảm bảo tiến độ và kỹ thuật”, hình như đôi mắt chú ầng ậng nước…
Chú đi rồi mới thấy trong lòng trống trải như mất một cái gì đó vừa quý giá vừa thiêng liêng. Rồi đây biển cả mênh mông ẩn chứa những cơn cuồng nộ đầy bất trắc đang đợi chú.
Mùa sứa biển lại về, những cánh sứa vẫn trong veo, ngầy ngậy nhưng nhức nước và hình như ẩn trong cái vị thanh thanh mát mát là vị mặn mòi của biển và mồ hôi của những ngư dân vạn chài bé nhỏ.
theo dantri
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn