Ai đó bảo người miền Trung "gừng cay muối mặn"? Cũng phải thôi. Đôi khi tôi thoáng nghĩ có phải bởi dải đất miền Trung dài quanh năm rì rào gió biển. Chất mặn mòi trong muối biển thấm hồn người miền Trung? Hay tại cát trắng, gió Lào khắc nghiệt.
Dường như những câu thơ:
“Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy.”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa dành một tình cảm rất lớn để nói lên nỗi khổ, vất vả, chịu khó của người Miền Trung. Chính những điều kiện khắc nghiệt ấy đã sinh ra những con người Miền Trung đoàn kết, hiếu khách, mộc mạc, chân thành mà rắn rỏi.
Hôm nay, lên facebook, tôi có đưa ra vấn đề về bàn về tiếng Nghệ Tĩnh, “Răng dân Hà Tĩnh ra Hà Nội lại thả giọng Bắc hẻ?”. Bạn bè tôi bảo:" Nói giọng Bắc cho người ta dễ nghe thôi chứ gặp người quen cũ với về nhà thì giọng Nghệ cho nó thân tình".Tôi cảm thấy rất vui khi họ biết đến điều đó, biết giữ gìn tiếng mẹ đẻ thân thương. Tôi càng rất vui khi một số người bạn gốc Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng của tôi rất thích học tiếng Nghệ Tĩnh, một số người còn thích nghe cả dân ca Nghệ tĩnh. Tôi càng tự hào hơn khi thầy giáo dạy tôi biết tôi là người Hà Tĩnh, thầy đã rất quan tâm đến tôi. Trận lũ lịch sử vừa qua ập xuống quê tôi, thì ngoài này người đầu tiên hỏi thăm tôi chính là thầy, thầy còn bảo “Người dân trong kia có tinh thần hiếu học tuyệt vời, họ có một cách học thuộc lòng trở thành truyền thống, có trí nhớ thật đáng sợ”. Tôi không biết có phải thầy muốn lấy lòng tôi hay không mà dù có đi chăng nữa thì cũng chẳng để làm gì, nhưng tôi cảm nhận được lời nói của thầy xuất phát từ trái tim và sự tôn trọng của thầy đối với người dân miền trung nói chung và con người Nghệ Tĩnh nói riêng. “Tiếng Miền Bắc chua loèn loẹt, tiếng Miền Nam toét tòe loe, Miền Trung thủ thỉ dể nghe con hè” là câu nói vui của thầy về giọng nói người miền Trung, mà đó lại là câu nói đúng giọng miền Trung lần đầu tiên trong đời tôi được nghe từ một con người gốc Bắc – con người mà đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống, con người tôi rất kính trọng dù chỉ mới gặp được 4 tháng thôi.
Trong chúng ta, chắc hẳn không ai là không biết MC Diệp Chi (Người Dẫn Chương trình Rung Chuông Vàng), Có một hôm, lúc ghi hình xong, tôi tình cờ gặp chị, hình như đang gọi điện cho mẹ chị hay ai đó, thật không ngờ chị nói tiếng Nghệ Tĩnh, sau đó tôi mới bắt chuyện và biết được chị là người Nghệ An. Tôi có hỏi: Răng chị là người Nghệ An mà nói giọng Hà Nội chuẩn rứa? Chị trả lời : “vì yêu cầu của công việc, còn chị yêu tiếng quê chị lắm”. Thật vậy, không yêu mà mỗi lần quay xong chương trình người ta lại thấy chị bấm máy gọi về cho mẹ, lúc đó thì chỉ có “mô, tê, răng, rứa” thôi. Thực sự tôi ngưỡng mộ chị. Cách đây không lâu, Đài THVN đã phát sóng trực tiếp cầu truyền hình "Hành trình theo chân Bác", diễn ra tại ba điểm cầu: Hà Nội - Làng Sen(Nghệ An) - Bến Cảng Nhà Rồng(Tp Hồ Chí Minh). Cùng với tiếng Hà Nội, tiếng Sài Gòn, ở điểm cầu Làng Sen, chị đã dẫn chương trình bằng tiếng Nghệ. Với tấm lòng yêu quê hương tha thiết, giọng nói của người con gái xứ Nghệ nhẹ nhàng, mềm mại, man mác thân thương, sâu lắng, xúc động lòng người, gọi lên bao niềm thương nỗi nhớ Bác Hồ, hấp dẫn người dự khán hơn cả tiếng Hà Nội, tiếng Sài Gòn.
Là một chàng trai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh thân thương. Giờ đây, sau hơn 17 năm gắn bó, tôi cũng như những người con xa quê như tôi đều để riêng một ngăn nhớ cho Tiếng nói quê mình. Tôi cũng rất tự hào khi là người “cùng quê” với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Dẫu Bác đã gắn bó hầu như cả thời trai trẻ ở trời tây với ý chí cứu nước, cứu dân, nhưng sau bao năm xa quê, ngày 2/9/1945 tiếng nghệ tĩnh thân thương ấy vẫn vang lên hào sảng trên Quảng trường Ba Đình lộng gió, vang vọng khắp mọi miền đất nước và thế giới.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết
" Bác đi khắp bốn phương trời
Vẫn còn ấm mãi giọng Người Miền Trung..." .
Ngày Bác sắp đi xa, "Bác vẫn muốn nghe một điệu hò ví dặm" ( Lời Bác dặn trước lúc đi xa- NS Trần Hoàn). Đồng bào xa Tổ quốc, vẫn "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu Hò ví dặm" ( NS Trần Hoàn).
Ấy vậy mà cũng chẳng ít người xa quê chưa được bao lâu đã đánh mất tiếng của quê mình, chúng bảo sợ bị khinh. Giờ nói tiếng Bắc thành tiếng mình luôn. Sợ người ta khinh thì hãy cứ sống là mình, cứ giữ ngang nhiên, đường hoàng mà sống không làm gì hổ thẹn với lương tâm và ý xấu với mọi người. Thế liệu có tốt hơn là tạo những vỏ bọc hư ảo hay không? Một giọng nói, một miền quê đâu phải làm người ta "sang" lên được, đâu hẳn là sẽ khỏi bị khinh. Được là đứa con của Thủ đô cũng đáng để tự hào nhiều lắm. Hay sinh ra nơi chốn phồn hoa Sài Gòn cũng là điều để nhiều người mơ ước bởi thoát cái lấm lem của mảnh đất khốn khó, nhọc nhằn miền Trung. Nhưng liệu có nên vì thế mà chối bỏ quê mình nơi mẹ cha chắt chiu nuôi mình khôn lớn, nơi bè bạn, họ hàng với những kỉ niệm thời ấu thơ đã thành một thời để nhớ?
Còn nhớ, hôm đi thi thử ĐH ở TP Vinh, tôi có xem Chương trình thời sự của Đài PT- TH Nghệ An, Phát thanh viên không nói bằng giọng mẹ đẻ, mà lại sở hữu một giọng đọc “không ra gì”. Cho nên trách sao được thanh niên đi học hay làm ăn xa đều "học mót" tiếng xứ người. Có ai bao giờ chê người Huế nói tiếng Huế, người Sài Gòn nói tiếng SG,... mà cứ phải lo giọng Nghệ Tĩnh bị chê cười? Đừng vì những cái “sĩ diện hão” mà phải đánh mất giọng nói quê hương. Phải chăng họ dần đánh mất bản sắc văn hóa quê hương??!
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Tôi quen một chị, chị ấy tâm sự rằng: "“Bựa ni ngoài ta mưa to lắm mi à” Chị vừa nói xong câu ấy với nhỏ bạn chung phòng thì một bạn nữ khác bỗng phá lên cười_nụ cười mà chị sẽ nhớ mãi có lẽ vì độ vô duyên của nó “nghe nhỏ kia nói gì kìa mày”. Chị không phản ứng gì mà im lặng và bước đi. Người ta cười mình vì những từ “bữa ni”hay từ “mi” đó sao? "
Tôi vẫn xin nhận người Nghê Tĩnh vụng về ăn nói, chẳng dịu dàng, khéo léo như nơi khác được đâu. Nhưng sau vẻ lấm lem thô kệch bởi vất vả đời thường, họ là những con người nặng tình, nặng nghĩa, khát khao yêu thương và nhiều ước mơ tốt đẹp lắm. Nhiều lúc, nghĩ đến những từ thân quen dùng hằng ngày tôi càng thấy nó thú vị :" Mần chi nhiều cho mệt. Ra ngoài đàng làm méng nác cho khỏe con ngài rồi mần" . Hoặc là "Răng tui chộ giọng Nghệ Tịnh hay rứa, giọng nói thân thương mà răng gần gủi hẹ.Nỏ thấy chổ mô có giọng hay vậy mô nà, nghe mộc mạc hè." Nói ra các bạn ở những nơi xa được trận cười thích thú vì sự lạ kì. Nhưng những người đi xa mà hồn gửi lại quê nhà miền Trung nắng gió nghe những lời ấy thấy thân thương, ấm lòng nơi xứ lạ vô cùng.
Nói đến tiếng Nghệ Tĩnh, có biết bao câu chuyên nực cười mà những con người yêu quê hương đã tự sáng tạo ra để như làm cho nó trở thành một thứ “đặc sản”, tôn vinh tiếng nói đặc biệt quê mình. Một trong số đó có chuyện kể như sau: “Một anh chàng lái xe người Hà Tĩnh, ra Gia Lâm nhận xe mới. Khi về, qua cầu Long Biên, khoái quá nên anh ta vẫn phóng ào ào. Công an thổi còi chặn lại:
- Anh không thấy cái biển hai đầu cầu sao?
Anh chàng hớn hở:
- Chộ chơ răng khung chộ hè! (Thấy chớ sao không thấy!)
- Anh có biết trên đó viết gì không?
Chàng ta trố mắt ngạc nhiên:
- Trời ơi! Đi mần công an mà khung biết trự à? Tội hè! Trên nớ viết là qua cầu xe cộ đi chậm lại. Có từng đó mà cụng khung đọc được! (Trời ơi! Đi làm công an mà không biết chữ à? Tội quá! Trên đó viết là qua cầu xe cộ đi chậm lại. Có chừng đó mà cũng không đọc được!)
- Thế tại sao anh vẫn phóng ào ào?
- Đó là nói xe cộ. Xe tui xe mới mà! (Anh lái xe hiểu theo kiểu Hà Tĩnh: cộ là cũ)”
Một kỷ niệm lớp 12 đã gợi lại trong tôi. Mấy đứa bạn có nói với nhau một câu. Tôi còn nhớ "Ga ni ga chi? - ga ni ga ta - ga chi to ri?. ga ta chì" hoặc là "O đi mô tê ? - Tui đi ra ga - O ra ga mô ? - Tui ra ga ni - Ga ni ga chi ? - Ga ni ga Si - Ra ga mần chi ? Bữa ni phiên chợ Si " . Càng đọc càng thấy hay vì nó hơi giống tiếng Nhật mà.
Đi dạo giữa lòng thủ đô Hà Nội ồn ào, tấp nập, khi mà hầu hết tất cả mọi người giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ phổ thông hay chất giọng Hà Thành nhẹ nhàng và thanh lịch, một tiếng “mô, tê, răng, rứa” đâu đó vọng lên vẳng vẳng bên tai cũng đủ làm tôi nghẹn ngào và sung sướng. Ôi, yêu sao cái tiếng nói thân thương, giọng nói gần gũi của những còn người xứ Nghệ, yêu biết nhường nào cái giọng quê nằng nặng nhưng chân chất ấy.
"Nếu được một điều ước - Tôi ước được trở về tuổi thơ bên Mẹ
Nếu được lựa chọn - Tôi vẫn chọn Hà Tĩnh là Quê Hương"
Nguồn tin: Hội SV Nghệ Tĩnh ĐH Kinh Tế TP.HCM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn