Tưng bừng lễ hội đầu Xuân ở miền đất nghệ an

Thứ bảy - 23/03/2019 03:55
Đến hẹn lại lên, sau những ngày nghỉ Tết ấm cúng bên gia đình, người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại nô nức, tưng bừng hòa mình trong mùa lễ hội. Giữa tiết trời Xuân năm nay ấm áp, tại các địa phương công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội đã dần hoàn tất và đi vào nề nếp
Tưng bừng lễ hội đầu Xuân ở miền đất nghệ an
Từ tháng giêng đến tháng 3 (âm lịch), sau những ngày nghỉ Tết người dân lại du Xuân, vui cùng lễ hội tại các địa phương từ miền xuôi đến miền ngược. Năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra 25 lễ hội, trong đó có 17 lễ hội đầu Xuân Quý Tỵ.
 
Mỗi lễ hội mang một màu sắc riêng đặc trưng cho từng vùng miền. Ngược lên miền núi, chúng ta hòa mình vui hội Pẩn Pang - Nang Ny tại Quỳ Hợp, một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian truyền thống Mường Ham. Lễ hội diễn ra trong hai ngày mồng 5 và mồng 6 Tết Nguyên đán. Cùng lắc lư với điệu múa trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, mọi người về đây được tham dự nhiều hoạt động vui chơi như: Ném còn, bắn cung, kéo co... và đặc biệt là hội thi viết chữ Thái cổ.
 

Tưng bừng lễ hội đền Quả Sơn ở Đô Lương

Trong những ngày này, về Nam Đàn để cùng nhau trẩy hội đền Vua Mai. Cứ ngày 15 tháng Giêng âm lịch, lễ hội đền Vua Mai lại được tổ chức với quy mô lớn. Năm nay, trùng với Lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 1.290 năm ngày mất của Vua Mai, nên các hoạt động diễn ra phong phú và hấp dẫn từ phần lễ đến phần hội.
 
Diễn ra trong 3 ngày (13 - 15/1 âm lịch), chương trình kỷ niệm có 4 phần gồm khúc mở đầu, Ngày hội bên sông Lam; Khánh tiết và chương trình nghệ thuật “Ngọn lửa Vạn An”, sẽ thu hút nhiều du khách đến tham dự.
 
Cha ông xưa còn kể, xứ Nghệ là đất linh thiêng, với “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Từ ngày 19 đến 21 tháng Giêng diễn ra Lễ hội đền Cờn, một ngôi đền thiêng bậc nhất xứ Nghệ nằm ở huyện Quỳnh Lưu.
 
Lễ hội được cử hành với nhiều nghi lễ đặc sắc với những đoàn thuyền du Xuân có trang trí cờ hoa trong tiếng trống chiêng âm vang khắp đất trời. Phần lễ với màn dâng hương, tế lễ nghiêm trang, tái hiện cảnh vua Trần Anh Tông dâng hương tại chính điện. Phần hội với các trò chơi dân gian như cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng chèo, hát văn... Đặc biệt năm nay có trò diễn trận thủy chiến gắn với truyền thuyết dựng đền.
 

Vui hội ném còn tại lễ hội đền Vạn, Cửa Rào
 
Tại thời điểm này, trên địa bàn huyện Đô Lương cũng tưng bừng diễn ra Lễ hội đền Quả Sơn. Nằm bên bờ sông Lam hiền hòa, đền Quả Sơn đã chứng kiến bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Đền là nơi thờ tự Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người con thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ.
 
Hàng năm, cứ vào 20 - 21 tháng Giêng âm lịch, cán bộ nhân dân huyện Đô Lương và du khách thập phương lại tụ hội về đây để tưởng nhớ đến những cống hiến của Ngài cho sự nghiệp phục hưng, lập công lớn đối với triều đình, đặc biệt là với nhân dân xứ Nghệ.
 
Nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Quả là lễ rước Ngài lên tạ ơn Bà Bụt tại chùa Bà Bụt. Tương truyền, Bà Bụt là người luôn phù giúp Lý Nhật Quang trong việc phát triển quân sự, kinh tế. Tham gia lễ hội, du khách được hòa mình vào không gian linh thiêng với lễ xuất thần, lễ rước bằng đường thủy, đường bộ và nhiều trò chơi dân gian như: Chọi gà, đu tiên, cờ thẻ... Thu hút nhiều nam thanh nữ tú là hội đua thuyền bơi chải ngược sông Lam.
 
Theo Quốc lộ 7, ngược lên miền núi đến với huyện Tương Dương chúng ta cùng vui hội đền Vạn, Cửa Rào, cùng hòa chung với không gian lễ hội Pu Nhạ Thầu ở Kỳ Sơn. Đây là các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc.
 
Tại đây, với những phần thi như đẩy gậy, đu tiên, thi người đẹp, với hội thi ẩm thực đậm đà hương sắc núi rừng... Ngoài ra, còn có các lễ hội như Nguyễn Xí, Nghi Lộc (29 tháng Giêng đến mồng 1 tháng 2 âm lịch), đền Bạch Mã (Võ Liệt, Thanh Chương từ 9 - 10 tháng 2 âm lịch), Lễ hội Hang Bua (Châu Tiến, Quỳ Châu vào ngày 20 - 21 tháng Giêng âm lịch)...
 
Năm nay, có cái hay là nhiều địa phương bắt đầu rất sôi nổi trong việc khôi phục lễ hội cổ của làng, xã mình. Vừa qua, Sở VHTT&DL trình UBND tỉnh cấp phép Lễ hội Kỳ Phúc ở Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu diễn ra vào ngày mồng 9 - 10 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội tôn vinh các vị thần linh, các vị tổ của làng, tôn vinh các dòng họ có con em học giỏi. Tại phần hội có các trò chơi dân gian được khôi phục như: Xoáy tay, trò chơi đập niêu...
 
Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Để lễ hội Nghệ An thực sự phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, Sở VHTT&DL Nghệ An đã có những văn bản chỉ đạo triển khai tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý mùa lễ hội: Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn ngừa các nếp sống tiêu cực: ăn xin, đốt vàng mã quá nhiều, cờ bạc, lợi dụng tâm linh làm những điều vi phạm pháp luật... Năm nay, có điểm mới so với mọi năm việc quản lý lễ hội chặt chẽ, vai trò quản lý của Nhà nước ngày càng rõ nét hơn.
 
Ví dụ như ngay từ trước Tết Nguyên đán, Sở VHTT&DL đã ban hành 3 văn bản, 1 văn bản gửi chung cho các xã và các huyện về việc chấn chỉnh quản lý Nhà nước đối với lễ hội và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội. Với 2 văn bản cá biệt được gửi cho một số điểm nhạy cảm, quá đông để nhắc nhở. Mỗi lễ hội gắn liền với mỗi vùng miền để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phan Tuyết - Ngọc Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây